MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ

Thuỳ Hương LDO | 02/09/2019 16:03
Nhằm tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp FDI và các nhà sản xuất công nghiệp có chiến lược nội địa hóa tiếp cận các nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước, từ ngày 11-12.9, Sở Công Thương TPHCM tiếp tục phối hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) và các đơn vị tổ chức Hội nghị Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019.

Sự kiện nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các đối tác trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cung ứng, từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ban tổ chức cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 30 doanh nghiệp FDI cần tìm kiếm nhà cung cấp trong nước các linh kiện cơ khí; linh kiện tự động hoá.. trong khi đó, gần 100 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước dự kiến sẽ tham gia, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các nhà mua hàng.

SFS 2019 - Cơ hội tìm hiểu, tương tác trực tiếp giữa các nhà sản xuất và nhà cung ứng 

Hội nghị Tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019 tiếp tục là cầu nối hiệu quả, tạo cơ hội phát triển thị trường cho doanh nghiệp, từ  đó giúp doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa của Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị, tham gia chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư của thành phố theo Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 8.10.2018 của Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TPHCM năm 2018-2020 một cách hiệu quả.

Báo cáo của Sở Công Thương TPHCM chỉ ra, trong 8 tháng năm 2019 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,1%...

Riêng với với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2019 tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng 0,4%; ngành hóa dược giảm 0,7%; ngành điện tử tăng 24,2%; ngành cơ khí tăng 9,4%. Ngành sản xuất hàng điện tử tăng cao do các doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại; các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao (chất bán dẫn, vi mạch, bo mạch điện tử…) và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thời gian qua thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng của thành phố; tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Về cơ chế vốn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 16 ngân hàng thương mại đã ký kết bản ghi nhớ về hỗ trợ tín dụng cho DN sản phẩm chủ lực của thành phố với lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương TPHCM cũng đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan gặp gỡ và làm việc với các DN, triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại cho nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn