MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp tại Đồng Nai đang rất cần hỗ trợ kịp thời để phục hồi sản xuất. Ảnh: Hà Anh Chiến

Hỗ trợ lãi suất, giãn nợ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất

HÀ ANH CHIẾN LDO | 29/10/2021 06:00
Sau hơn 3 tháng chống chọi dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã cạn kiệt nguồn vốn, khó khăn trong việc phục hồi sản xuất. Do đó, sự vào cuộc hỗ trợ kịp thời của tỉnh Đồng Nai cũng như ngành ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp được “hà hơi tiếp sức”, phục hồi sản xuất thông qua việc hỗ trợ lãi suất, giãn nợ cho doanh nghiệp.

Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá vật tư tăng cao

Ông Nguyễn Khắc Sơn - Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Sơn An - là một đại diện doanh nghiệp trong ngành xây dựng ở Đồng Nai - cho biết, thời gian vừa qua, hoạt động trong ngành xây dựng của ông bị đình trệ do dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp có cơ hội để phục hồi sản xuất thì gặp ngay các khó khăn hiện hữu do giá cả sắt thép tăng cao, thiếu nhân lực, thiếu vốn trầm trọng và đang rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ của tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là trong ngành ngân hàng. 

Tương tự, ông Hồ Quốc Thái, Đại diện Công ty CP công nghệ thực phẩm Lương Gia (TP.Long Khánh) cũng mong hỗ trợ từ phía ngân hàng để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi hơn vì thời gian vừa qua doanh nghiệp đã rất khó khăn do dịch bệnh. Ông Thái cho biết: Doanh nghiệp đầu tư 2 nhà máy chế biến nông sản ở TP.Long Khánh và huyện Nhơn Trạch với hơn 700 công nhân lao động nên cần vốn đầu tư lớn để phục hồi sản xuất.

Ông Châu Minh Nguyện - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai lý giải thêm, trong những tháng qua, các doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hoặc chỉ sản xuất cầm chừng do dịch bệnh, nhưng vẫn phải chi phí rất lớn để lo chống dịch, sản xuất “3 tại chỗ” và lo cho người lao động, nhưng dịch bệnh kéo dài khiến dòng tiền của doanh nghiệp bị đứt gãy. Đến khi có cơ hội phục hồi sản xuất thì lại gặp khó khăn về các vấn đề như: Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá vật tư tăng cao… Do đó, ông Nguyện cho rằng, nên có các gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định để doanh nghiệp tiếp tục hồi sức, vì thời gian qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn đã hết sức vì lo chống dịch…

Cụ thể, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai kiến nghị đến ngành Ngân hàng như: Cần có thêm chương trình hỗ trợ kịp thời về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cân đối, giãn thời hạn đáo hạn nợ…; xem xét, thẩm định về thủ tục, điều kiện cho vay, tiêu chí để chứng minh thiệt hại do dịch bệnh một cách phù hợp và đảm bảo các quy định.

Nới lỏng các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Ngoài những mong muốn có được sự hỗ trợ kịp thời từ phía các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn sớm tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân và hỗ trợ công nhân từ các tỉnh quay trở lại Đồng Nai làm việc. Ông Châu Minh Nguyện đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động yên tâm sản xuất. Còn ông Nguyễn Khắc Sơn thì đề nghị tỉnh Đồng Nai hỗ trợ các giải pháp để đưa người lao động trở lại làm việc vì đa phần số lao động ở các tỉnh miền Tây về quê thời gian vừa qua là người lao động trong ngành xây dựng.

Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ, thời gian qua, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất ở thời điểm hiện tại là khó khăn về dòng tiền để duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất nên cần được tiếp vốn hoặc giảm, giãn thời gian trả nợ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cũng cần phải ghi nhận để phản ánh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc nới lỏng chính sách hơn. 

Đồng thời, ông Dũng khẳng định Đồng Nai trong chính sách của Đồng Nai là là ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân. Đối với việc doanh nghiệp xuất hiện F0 trong quá trình sản xuất, ông Dũng đề nghị doanh nghiệp cần có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương để xử lý nhanh nhất. Từ đó mới có thể ổn định cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn