MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hòa Bình chấm dứt hoạt động của dự án Nhà máy mía đường Hòa Bình tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn. Ảnh: Minh Chuyên

Hòa Bình chấm dứt dự án nhà máy đường làm ăn thua lỗ, nợ tiền người dân

Minh Chuyên LDO | 25/03/2024 12:02

Tỉnh Hòa Bình vừa chấm dứt toàn bộ hoạt động nhà máy mía đường tại huyện Lạc Sơn. Đây là nhà máy mía đường duy nhất ở địa phương này.

Ngày 25.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình xác nhận, đơn vị đã ban hành quyết định về việc chấm dứt hoạt động của dự án Nhà máy mía đường Hòa Bình tại xã Tân Mỹ (huyện Lạc Sơn).

Về lý do chấm dứt dự án, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, cuối tháng 9.2023, dự án bị ngừng hoạt động 3 tháng. Tuy nhiên, hết thời hạn, nhà đầu tư không có khả năng khắc phục các điều kiện đã nêu trong quyết định ngừng hoạt động.

Trước đó, dự án này bị ngừng hoạt động do làm ăn không hiệu quả, chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước. Khi các cơ quan chức năng kiểm tra, nhà máy đang trong tình trạng đóng cửa, không hoạt động, cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Nhà máy mía đường Hòa Bình. Ảnh: Minh Chuyên

Bên cạnh đó, công ty còn nợ tiền thu mua mía nguyên liệu của người dân khoảng 1,2 tỉ đồng. Từ năm 2018 đến nay, nhà máy sản xuất mía đường của công ty không còn người làm việc.

Nhà máy mía đường trước đây đóng tại phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình, năm 2015 được di dời đến xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) và được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 140 tỉ đồng. Nhà đầu tư là Công ty mía đường Hòa Bình.

Theo ghi nhận thực tế của PV Báo Lao Động tại nhà máy mía đường là khung cảnh hoang tàn, nhếch nhác, không một bóng người. Các căn phòng của nhà máy cửa đóng then cài, nhiều máy móc, trang thiết bị đang trong quá trình xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm xung quanh nhà máy.

Toàn cảnh Nhà máy mía đường Hòa Bình. Ảnh: Minh Chuyên

Một cựu lãnh đạo Công ty mía đường Hòa Bình cho biết, đơn vị tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 1997, đến khoảng năm 2005 thì cổ phần hoá.

Theo cựu lãnh đạo Công ty mía đường Hòa Bình, trước đây, năm 2015, đơn vị được chuyển về xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn. Việc di chuyển là do nhà máy ở thượng du nên có nguy cơ ô nhiễm đến nguồn nước của hạ du sông Đà và xa vùng nguyên liệu (vùng nguyên liệu tập chung chủ yếu tại các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, Yên Thuỷ).

“Lúc cao điểm, nhà máy có hơn 100 cán bộ, công nhân làm việc. Tuy nhiên, khoảng những năm 2017-2020, do giá đường xuống thấp dẫn đến việc làm ăn thua lỗ và phải dừng hoạt động” - vị này cho biết thêm.

Máy móc, thiết bị đã có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: Minh Chuyên

Về khoản tiền mà nhà máy mía đường nợ người dân, lãnh đạo UBND huyện Lạc Sơn cho hay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đang tiến hành các thủ tục để thanh lý tài sản. Địa phương cũng đã đề nghị ngân hàng ưu tiên về khoản tiền mà nhà máy đang nợ người dân sau khi được thanh lý.

Còn theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hòa Bình, Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình đang nợ 7,4 tỉ đồng tiền thuế. Đơn vị đã được khoanh nợ vào năm 2020 do doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ và đã dừng hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn