MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hoá đơn tiền điện tăng "sốc": Cần một đơn vị thanh tra độc lập

Anh Tuấn - Cường Ngô LDO | 17/06/2020 15:45
Trong kỳ thanh toán hoá đơn tiền điện tháng 5 (ghi chỉ số từ ngày 6.5 - 5.6), nhiều khách hàng bất ngờ với số tiền điện tăng cao hơn bình thường, đặc biệt là tại Hà Nội. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đưa ra giải thích về vấn đề này như điều chỉnh giá, nhu cầu sử dụng, nắng nóng kéo dài; trong đó "thủ phạm" chính khiến hoá đơn điện tăng vọt là việc sử dụng điều hoà. Tuy nhiên, một số khách hàng vẫn hoài nghi khi tiền điện tăng từ 30-50% so với tháng trước. 

Hoá đơn điện tăng cao: "Đổ lỗi" cho điều hoà?

Chị Nguyễn Thị Hải Yến (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho Lao Động biết, gia đình chị sử dụng hai công tơ điện, hàng tháng chỉ mất vài trăm nghìn đồng, ngay như tháng trước từ 7.4 đến 6.5, tổng số tiền điện cả hai công tơ của gia đình chị chưa đến 600.000 đồng, vậy mà đột ngột tiền điện tháng này "vọt" lên gần 1,7 triệu đồng khiến chị rất sốc.

"Gia đình tôi chỉ sử dụng duy nhất một chiếc điều hòa và thường chỉ bật vào ban đêm (có hẹn giờ) những hôm nắng nóng. Chính vì vậy, hoá đơn tiền điện tăng đột biến không thể "đổ lỗi" toàn bộ cho việc sử dụng điều hoà được. Không thể chỉ do trời nắng nóng mà tiền điện lại tăng gần gấp 3, thêm những 1,1 triệu đồng", chị Yến cho hay.

Anh Nguyễn Văn Bình (Bồ Đề, Long Biên) cho hay, hai vợ chồng anh đi làm cả ngày, 2 đứa con cũng đều đi học và chỉ đến tối gia đình về nhà mới sử dụng điện đun nấu, chiếu sáng và sử dụng 1 chiếc điều hòa cho những ngày nắng nóng.

Vì thế, anh cũng không thể hiểu lý do vì sao mà số lượng điện tiêu thụ tháng này bỗng tăng cao bất thường như vậy?

Nhiều người thắc mắc khi hoá đơn tiền điện tăng đột biến. Ảnh: EVN 

Trao đổi với Lao Động về việc hoá đơn tiền điện tăng đột biến, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, vào mùa nóng, việc sử dụng quạt hay điều hòa, lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn mùa lạnh, vì nhiệt độ tỏa nhiệt để làm dịu không khí nhiều hơn so với bình thường. Đặc biệt, với chính sách giá điện bậc thang hiện nay, nếu sản lượng điện tiêu thụ của các hộ tiêu dùng trong tháng tăng gấp đôi, thì tiền điện sẽ tăng tương ứng gấp 3 hoặc hơn gấp 3 lần. Đó là nguyên nhân khiến hoá đơn điện tăng cao.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, hiện nay việc tính giá điện theo bậc thang sẽ khuyến khích người dân tiết kiệm điện, song, cũng có những hạn chế nhất định. Theo đó, việc nhiều bậc, nhiều mức giá đã gây ra những khó khăn trong ghi chỉ số công tơ, trong thanh toán tiền điện với khách hàng, trong việc theo dõi tính toán kiểm tra của người tiêu dùng điện đối với việc sử dụng điện theo nhiều bậc thang hàng tháng của mình.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, giá điện được đánh theo lũy tiến, sử dụng càng nhiều tiền đóng càng cao. Cách làm này giúp người dân tiết kiệm điện, tuy nhiên, trong thời tiết nắng nóng, người dân sử dụng nhiều, mà cách tính lại thay đổi thì đây là cách gián tiếp làm tăng giá điện.

Để minh bạch giá điện, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nên có một đơn vị độc lập vào cuộc để rà soát, kiểm tra. Cơ quan này sẽ làm việc với EVN, nếu có dấu hiệu bất thường trong cách tính giá điện, ghi chỉ số công tơ thì có thể đề nghị một số đơn vị chức năng khác như Cục Quản lý giá, Cục Quản lý Cạnh tranh để can thiệp.

Về tính minh bạch trong việc kiểm tra, ghi chỉ số công tơ điện, ông Nguyễn Trọng Phụng, Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, việc ghi chỉ số công tơ điện hằng tháng đều có sự giám sát của khách hàng. EVNNPC sẽ xử lý nghiêm những trường hợp ghi sai, ghi không đúng số lượng điện năng tiêu thụ.

Báo cáo Chính phủ kết quả thanh tra giá điện

Liên quan việc công bố kết quả thanh tra giá điện, theo dự kiến ban đầu sẽ được công bố sau 45 ngày công bố quyết định thanh tra (quyết định thanh tra được Thanh tra Chính phủ công bố ngày 24.5.2019, theo yêu cầu của Thủ tướng).

Tuy nhiên, sau đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị lùi thời hạn công bố kết quả thanh tra giá điện đến quý III.2019, và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đến thời điểm hiện tại - quý II/2020, Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố kết quả thanh tra. Như vậy, theo thời hạn này thì thời điểm công bố kết quả kiểm tra giá điện chậm gần 1 năm so với yêu cầu trước đây của Thủ tướng. 

Trả lời phóng viên Báo Lao Động, ông Bùi Ngọc Lam - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: "Chúng tôi đã có kết quả thanh tra rồi. Tuy nhiên, kết quả thanh tra giá điện phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sau đó mới công khai toàn bộ kết luận thanh tra.

Quá trình thanh tra giá điện, chúng tôi không gặp khó khăn gì, song vấn đề giá điện khá nhạy cảm nên cần làm thận trọng, với tinh thần khách quan, công tâm nhất".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn