MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hoàn thiện "Cơ chế một cửa quốc gia" trong APEC

Bảo Chương LDO | 20/08/2017 16:43

Bên lề cuộc họp các quan chức cấp cao lần thứ 3 (SOM3), đang diễn ra tại TPHCM, Tiểu ban Thủ tục Hải quan lần thứ 2 (SCCP2) cũng đã họp và thông qua nhiều nội dung quan trọng như cơ chế một cửa, thương mại điện tử xuyên biên giới và ứng dụng CNTT và quản lý rủi ro.

Tham dự SCCP 2 lần này có hơn 50 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Ban thư ký APEC và các khách mời từ Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Ủy ban Thương mại và Đầu tư – CTI.

Tiếp nối các kết quả đạt được từ Cuộc họp SCCP1, 2 mục tiêu lớn của SCCP 2017 trong mục tiêu chung của APEC là tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng được cụ thể hoá trong kế hoạch hành động tập thể của SCCP (CAP) và chương trình làm việc SCCP 2017 (Work Program 2017). Trong đó, nhấn mạnh đến các nội dung như khung kết nối chuỗi cung ứng, cơ chế một cửa, phát triển Chương trình doanh nghiệp ưu tiên, thương mại điện tử qua biên giới, thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý rủi ro,..

Về cơ chế một cửa, các thành viên nhất trí việc tiếp tục hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia và sẽ nỗ lực trong việc xem xét khả năng kết nối cơ chế này giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

SCCP nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên tại các nền kinh tế thành viên, nỗ lực hợp tác và ký kết các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau để thúc đẩy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Về thương mại điện tử qua biên giới, SCCP khuyến khích cơ quan hải quan các nền kinh tế thành viên tiếp tục tăng cường các chương trình quản lý rủi ro để đảm bảo vừa tạo thuận lợi thương mại và nâng cao tính tuân thủ trong hoạt động thương mại của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý biên giới, SCCP đề cập đến việc đẩy mạnh đối thoại công-tư nhằm góp phần đạt được các ưu tiên của SCCP trong năm 2017.

Ngoài ra, một nội dung quan trọng được thống nhất là công nghệ thông tin và quản lý rủi ro. SCCP coi đây là công cụ hỗ trợ cần thiết và hiệu quả đối với các hoạt động kiểm soát hải quan. Do đó, việc chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý rủi ro và các hỗ trợ kỹ thuật nhằm hoàn thiện chương trình cải cách và hiện đại hóa hải quan giữa các cơ quan hải quan trong khu vực được đánh giá là một hoạt động quan trọng mà SCCP sẽ triển khai trong thời gian tới.

SCCP nhấn mạnh việc tạo thuận lợi thương mại phải song hành cùng đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, do vậy, việc gia tăng hợp tác trong các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái được các thành viên xác định là một hoạt động trọng yếu trong hỗ trợ đạt mục tiêu đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng.

SCCP sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ phục hồi thương mại trong khu vực thông qua việc thiết lập mạng kết nối giữa các thành viên APEC và nỗ lực xây dựng các cơ chế trao đổi các thông tin giữa các cơ quan hải quan trong khu vực trên cơ sở các khuyến nghị và hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn