MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoàng Anh Gia Lai liệu có được thử thách sau khi hoạt động kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ. Ảnh: G. Miêu

Hoàng Anh Gia Lai có “thoát” huỷ niêm yết?

Gia Miêu LDO | 13/02/2022 14:39

Theo nguyên tắc thì doanh nghiệp bị thua lỗ 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc tại HoSE. Điều này gây lo lắng cho cổ đông Hoàng Anh Gia Lai trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đang hồi phục mạnh.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và lũy kế năm 2021. Cụ thể, trong quý 4, doanh thu thuần của Hoàng Anh Gia Lai đạt gần 744 tỉ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ giá vốn được tiết giảm 56% nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 232,3 tỉ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gộp 154 tỉ đồng. Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển từ lỗ 418,5 tỉ đồng cùng kỳ năm trước sang có lãi 96,5 tỉ đồng. Lợi nhuận thuộc về Công ty mẹ đạt 142,2 tỉ đồng. Lũy kế năm 2021, doanh thu thuần của Hoàng Anh Gia Lai đạt 2.108 tỉ đồng, giảm 33,6% so với năm 2020. Lãi ròng cả năm đạt 126,5 tỉ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 2.383,3 tỉ đồng. Lợi nhuận thuộc về Công ty mẹ đạt 184,2 tỉ đồng. 

Như vậy có thể thấy, về tình hình kinh doanh, sau khi “buông” công ty nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai đã có lãi trở lại trong năm 2021 với giá trị 184 tỉ đồng. Dù kinh doanh có điểm sáng, song với những tồn tại về cân đối tài chính và luỹ kế vẫn ở mức cao với 4.432 tỉ đồng tới cuối năm 2021. Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã có văn bản về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 đều là số âm. Theo nguyên tắc thì doanh nghiệp bị thua lỗ 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc tại HoSE. Điều này gây lo lắng cho cổ đông HAGL về việc cổ phiếu có thể bị xem xét có còn đủ điều kiện niêm yết hay không. 

Chính vì vậy, HAGL mới đây đã có văn bản gửi UBCKNN, HoSE về việc xin không bị huỷ niêm yết theo quy định hiện hành. Phía HAGL cũng cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc đang diễn ra tại tập đoàn. Thậm chí năm 2022, HAGL tham vọng lãi hơn 1.000 tỉ đồng - tức chính thức quay lại thời kỳ hoàng kim 10 năm trước. Công ty cũng đề mục tiêu trả hết nợ ngân hàng, cân đối tài chính và chấp nhận những phương án kinh doanh hiệu quả nếu có thể giúp xoá sạch lỗ luỹ kế trong vài năm tới. Với viễn cảnh kinh doanh khả quan, trong văn bản của mình lãnh đạo HAGL kiến nghị các cơ quan nhà nước cho phép HAGL áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết.

Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều về câu chuyện có nên ưu ái cho HAGL hay không? Vẫn có quan điểm cần phải cẩn trọng trong việc đặc cách cho doanh nghiệp không bị hủy niêm yết. Nếu huỷ niêm yết thì cổ phiếu HAGL của bầu Đức, có thể chuyển sang UpCOM. Và trong thời gian tới khi thỏa các điều kiện niêm yết trở lại thì vẫn có thể quay lại sàn HoSE.

Tuy nhiên vẫn có ý kiến có thể xem xét vì chung quy lại, quy định là để bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Thực tế Công ty chỉ lỗ 3 năm trước đó là 2017-2019, từ 2020 đến nay đã có những bứt phá trong kinh doanh. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1 đồng nghĩa là có khả năng tài chính để thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn. Và quan trọng chính là sự đồng thuận của các cổ đông trong việc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì việc niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE, áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn