MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hoảng sợ bán tháo, thị trường tiền điện tử "bốc hơi" 1.000 tỉ USD

Đức Mạnh LDO | 22/01/2022 16:22

Thị trường tiền điện tử đã trở nên hỗn loạn trong bối cảnh Nga phát lệnh cấm khai thác Bitcoin và đà bán tháo cổ phiếu hàng loạt tại Hoa Kỳ.

Theo dữ liệu từ CoinmarketCap, tính đến 13 giờ ngày 22.1, Bitcoin giảm 7,8% xuống còn 35.921 USD, tiếp tục đánh mất mốc hỗ trợ quan trọng 40.000 USD và chạm mức thấp nhất trong sáu tháng.

Ether, tiền điện tử có vốn hoá lớn thứ hai, mất gần 13% xuống 2.500 USD. Diễn biến tiêu cực cũng lan sang cả những mã khác như Solana, Cardano, Polkadot, Terra và Avalanche. Đồng coin meme Dogecoin và Shiba Inu rớt lần lượt 9,58% và 20,21% trong 24h qua.

Thị trường tiền điện tử đã “bay màu” tới 1.000 tỉ USD giá trị thị trường trong 24 giờ qua. Ảnh chụp màn hình

Trong diễn biến mới đây, ngân hàng trung ương Nga đã ban hành hàng loạt các quy định siết chặt tiền điện tử, bao gồm cả lệnh cấm đối với hoạt động khai thác và giao dịch. Nga hiện nay chiếm khoảng 10% công suất khai thác Bitcoin toàn cầu khiến nước này trở thành trung tâm chính để xử lý các giao dịch trên mạng.

Ngân hàng trung ương của Nga cho biết tiền điện tử đang được sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp và gây ra rủi ro cho sự ổn định tài chính và chính sách tiền tệ.

“Rủi ro tiềm ẩn về sự ổn định tài chính liên quan đến tiền điện tử cao hơn nhiều so với các thị trường mới nổi, bao gồm cả ở Nga”, ngân hàng trung ương cho biết.

Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác rất phổ biến ở Nga. Ngân hàng trung ương cho biết, giá trị giao dịch tiền điện tử của người dân ước tính khoảng 5 tỉ USD hàng năm. Tuy nhiên, việc sở hữu hoặc nắm giữ Bitcoin và tiền điện tử khác của người dân Nga vẫn có thể được cho phép.

Nga dường như đang đi theo con đường của Trung Quốc trong quản lý chặt chẽ Bitcoin. Theo đó, Bắc Kinh đã cấm khai thác Bitcoin và những giao dịch liên quan vào năm ngoái.

Cả hai quốc gia cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng và giá điện tăng. Điều này khiến việc khai thác Bitcoin trở thành mục tiêu của cả cơ quan quản lý tài chính và năng lượng. Ngân hàng trung ương của Nga cho biết khai thác Bitcoin “tạo ra mức tiêu thụ năng lượng điện không hiệu quả”.

Ngoài tin tức về phía Nga, trạng thái bán tháo còn được kích hoạt bởi các yếu tố khác, bao gồm diễn biến tiêu cực trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ vào thứ Năm (20.1).

Về lý thuyết, Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác nên giao dịch độc lập với các thị trường tài chính chính thống. Tuy nhiên, chúng lại đang thể hiện mối tương quan với các khoản đầu tư có tính rủi ro, tăng trưởng cao khác, chẳng hạn như nhiều cổ phiếu công nghệ.

Chỉ số Nasdaq Composite đã rơi vào vùng điều chỉnh trong tuần này, giảm hơn 10% từ mức cao nhất mọi thời đại vào giữa tháng 11. Động thái này bắt nguồn từ các chính sách tiền tệ "diều hâu" hơn từ phía Cục Dự trữ Liên bang.

Ngày càng nhiều các nhà đầu tư đặt cược rằng Bitcoin sẽ  tiếp tục giảm. Theo trung tâm nghiên cứu Fundstrat Global Advisors, các hợp đồng tương lai vĩnh cửu của Bitcoin đã chuyển sang các vị thế ngắn hạn hơn, đặt cược vào sự giảm giá hơn là cược vào việc tăng giá.

Các nhà phân tích kỹ thuật khác cũng nhận thấy tương lai ảm đạm phía trước. Bán tháo Bitcoin có thể tăng lên khi lệnh call margin dồn dập xuất hiện. Khi giá ngày càng giảm mạnh, nhà đầu tư buộc phải bán giải chấp hoặc nộp tiền bổ sung để đảm bảo an toàn cho tài sản.

Báo cáo của trang DecenTrader cho biết, nếu Bitcoin tiếp tục giao dịch dưới 38.000 USD, thị trường có thể chứng kiến ​​một đợt thanh lý tương tự như đợt bán tháo mạnh vào 4.12.2021. Nếu điều này xảy ra, Bitcoin xuống thẳng mức 33.000 USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn