MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Novaland luôn duy trì tỷ lệ nợ cao hơn mức trung bình ngành. Ảnh: Website Novaland

Hoạt động kinh doanh chính của đại gia địa ốc Novaland giảm

Minh An LDO | 02/11/2020 10:52
Mặc dù báo lãi ròng đạt hơn 3.000 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, nhưng doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính của Novaland lại giảm tới 60% so với cùng kỳ 2019.

Tổng doanh thu tăng mạnh nhưng doanh thu thuần giảm sâu

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III.

Theo đó, đến hết tháng 9.2020, tổng doanh thu của Novaland đạt 6.569 tỉ đồng. Tuy nhiên, chiếm phần lớn trong số này là doanh thu từ hoạt động tài chính (gần 5.056 tỉ đồng). Đáng chú ý, doanh thu tài chính 9 tháng đầu năm của Novaland đã tăng hơn 858% so với con số xấp xỉ 589 tỉ đồng cùng kỳ 2019.

Cụ thể, Novaland ghi nhận 2.230 tỉ đồng lãi do đánh giá lại khoản đầu tư trước đây, chủ yếu từ lãi đánh giá lại các khoản đầu tư ở các công ty con vừa hoàn tất sát nhập vào tập đoàn trong kỳ báo cáo.

Trong kỳ, Novaland cũng ghi nhận 2.560 tỉ đồng từ thoái vốn tại các công ty con, bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Phong Điền; CTCP Cảng Phú Định và CTCP Thương mại đầu tư bất động sản Phú Trí.

Trong số 3 công ty được thoái vốn kể trên thì Cảng Phú Định mang về hơn 1.700 tỉ đồng lãi cho Novaland. Tại thời điểm 30.9.2020, Novaland còn sở hữu 4,45% vốn tại Cảng Phú Định.

Trái ngược với tăng trưởng phi mã (858%) của doanh thu tài chính, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của Novaland giảm hơn 60% so với 9 tháng năm 2019, đạt 3.803 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 49%, ở mức 1.379 tỉ đồng.

Sau khi trừ chi phí, kết thúc 9 tháng đầu năm, Novaland báo lãi ròng 3.344 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2019.

Cảnh báo rủi ro nợ vay

Tại ngày 30.9, tổng tài sản của Novaland đạt 129.389 tỉ đồng, tăng 44% so với cuối năm trước. Trong đó, chiếm hơn một nửa là hàng tồn kho (79.380 tỉ đồng), tăng 39% so với đầu năm và tăng 34% so với thời điểm cuối tháng 6. Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn của Novaland đã vượt 12.000 tỉ đồng, gấp đôi so với đầu năm, chủ yếu phải thu ngắn hạn khách hàng, phải thu cho vay và phải thu khác.

Đến cuối quý III, tổng nợ vay và nợ thuê tài chính của Novaland đã tăng thêm hơn 9.800 tỉ đồng so với cuối năm 2019, ở mức 44.396 tỉ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 12.774 tỉ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 21% so với cuối năm 2019, ghi nhận 31.622 tỉ đồng.

Rủi ro về nợ vay là yếu tố mà nhiều công ty chứng khoán đề cập khi phân tích cổ phiếu NVL của Novaland.

Theo Chứng khoán Phú Hưng, Novaland luôn duy trì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức cao, bao gồm cả nợ vay dài hạn và nợ vay ngắn hạn. Chỉ số nợ trên trên vốn chủ sở hữu khoảng 1,41 lần (2019) cao hơn gấp đôi so với tỉ lệ nợ của trung bình ngành. Bên cạnh đó, trong tổng số nợ vay của Novaland có đến 56% nợ vay bằng USD, nên khi tỉ giá USD/VND tăng lên sẽ làm tăng chi phí tài chính cho Novanland.

Mặc dù đánh giá cao quỹ đất của Novaland nhưng Chứng khoán Agribank cũng đã đưa ra cảnh báo với nhà đầu tư về việc tỉ lệ nợ vay của công ty này luôn duy trì ở mức cao so với trung bình ngành.

Chứng khoán Sacombank cũng cho rằng rủi ro của Novaland nằm ở việc luôn duy trì tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức cao, bao gồm cả nợ vay dài hạn và nợ vay ngắn hạn, khiến doanh nghiệp phải trả một khoản chi phí vay lớn làm sụt giảm lợi nhuận. Ngoài rủi ro về nợ vay, Chứng khoán Sacombank còn cho rằng giá cổ phiếu NVL không biến động đồng pha với thị trường chung, thường được đỡ giá ở mức khá cao. Nguyên nhân chính do lượng cổ phiếu lưu hành bên ngoài còn ít.

Hàng loạt điểm yếu khác của Novaland được Chứng khoán Sacombank chỉ ra, như: Sản phẩm tập trung nhiều vào phân khúc cao cấp tuy nhiên phân khúc này đang chững lại; loại hình sản phẩm chưa đa dạng, chủ yếu vẫn tập chung ở phân khúc nhà ở; dự án The Water Bay của công ty bị rà soát kéo dài dẫn đến việc chậm triển khai và phát sinh chi phí vốn.

Ngoài những rủi ro từ nội tại, theo Chứng khoán Sacombank, Novaland còn phải chịu nhiều áp lực từ những khó khăn chung như: thị trường đang chững lại do chủ trương siết chặt tín dụng vào kênh bất động sản; tình hình kinh tế cả trong và ngoài nước đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn