MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Áp lực nợ vay của FRT ngày càng lớn. Ảnh minh họa: NN.

Hoạt động kinh doanh của FRT không tạo ra dòng tiền, áp lực nợ tăng

Tùng Thư LDO | 18/08/2021 17:21

Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán FRT - HOSE) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với lãi sau thuế đạt 30,2 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, sức khỏe tài chính của FRT đang không tốt.

Lợi nhuận tăng từ mức cơ sở thấp

Quý II/2021, FRT đạt doanh thu gần 4,4 nghìn tỉ đồng - tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 30,2 tỉ đồng - tăng hơn 253% so với mức lỗ 19,75 tỉ đồng trong quý II/2020.

Trong đó, doanh thu từ nhà thuốc Long Châu là 754 tỉ đồng, tăng 223,6% so với quý II/2020, đóng góp 17,1% vào doanh thu công ty.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu laptop của FRT tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,3 nghìn tỉ đồng, do nhu cầu làm việc và học tập từ xa tăng trong bối cảnh dịch bệnh. FRT đã đẩy mạnh bán laptop cho các doanh nghiệp và trường học với giá bán sỉ, giúp cho doanh thu tăng trưởng nhưng cũng làm biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ mức 13,8% và 14,5% trong quý I và quý II/2020 xuống 12,6% và 13,9% trong quý I và quý II/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, FRT ghi nhận doanh thu 9.073 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỉ đồng. So với kế hoạch 16.400 tỉ doanh thu và 120 tỉ lợi nhuận trước thuế, nửa đầu năm FRT đã lần lượt thực hiện được 55% chỉ tiêu doanh thu và hơn 63% chỉ tiêu lợi nhuận.

Hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của FRT không tạo ra dòng tiền. Cụ thể, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính của FRT đã âm 2 quý liên tiếp.

Kết thúc quý I/2021, dòng tiền kinh doanh của FRT âm 488,85 tỉ đồng. Còn tại báo cáo tài chính quý II, lũy kế từ đầu năm đến hết quý II, dòng tiền kinh doanh của FRT âm 807,58 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, kết thúc quý II/2021, nợ phải trả của FRT gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Riêng hệ số nợ vay ngắn hạn và dài hạn/vốn chủ sở hữu của FRT là 3,92 lần - mức cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Điều đó cho thấy hoạt động kinh doanh của công ty không tạo ra dòng tiền và áp lực nợ vay đang ngày càng cao.

Kết thúc quý II, FRT có gần 2.500 tỉ hàng tồn kho, 930 tỉ đồng Phải trả người bán và 223,7 tỉ đồng Chi phí phải trả ngắn hạn. Như vậy, 46,7% hàng tồn kho của FRT được tài trợ bằng các khoản tín dụng thương mại. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro thanh toán ngắn hạn cho công ty nếu công ty không đảm bảo tốc độ bán hàng, đặc biệt là khi dòng tiền kinh doanh của công ty đang âm và hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của Công ty đang ở mức cao.

Cần lưu ý rằng, trong những năm gần đây FRT liên tục không đạt kế hoạch kinh doanh đề ra. Cụ thể, năm 2020, FRT đặt mục tiêu 15.320 tỉ đồng doanh thu thuần và 176 tỉ đồng lãi sau thuế nhưng chỉ đạt 96% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận. Năm 2019, FRT đặt mục tiêu 17.700 tỉ đồng doanh thu và 418 tỉ đồng lãi sau thuế nhưng chỉ lần lượt đạt 94% và 51% kế hoạch đã đề ra.

Cổ phiếu FRT đã có chuỗi tăng ấn tượng kể từ đầu tháng 7, đi ngược lại xu hướng chung của thị trường. Theo đó, trong tháng 7, cổ phiếu FRT tăng 38,2% từ mức 27.100 đồng cuối tháng 6, lên 37.450 đồng khi chốt tháng 7 và tiếp tục tăng trong những phiên đầu tháng 8.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18.8, thị giá FRT đạt 43.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức định giá P/E hiện tại 49,8x mức cao nhất trong vòng 3 năm gần đây (mức P/E trung bình 3 năm là 29,5x).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn