MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng là nơi chia sẻ kinh nghiệm, liên kết mở rộng phạm vi hoạt động, hợp tác cùng phát triển.

Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam: Lợi ích kép về kinh tế - môi trường

Mỹ Linh LDO | 17/12/2021 15:08
Ngày 19.12, Đại hội thành lập Hội nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam được tổ chức. Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, nhằm đạt được lợi ích kép về giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. 

Mục đích của hội là tập hợp, đoàn kết các tổ chức và cá nhân tự nguyện hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp tuần hoàn. Hỗ trợ, thu hút khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, thu gom tái chế, kinh doanh dịch vụ, xuất - nhập khẩu và sử dụng sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn theo quy định của pháp luật.  

Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực vào việc hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân triển khai có hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Là cầu nối để các bên tham gia sâu rộng hơn vào quá trình chuyển đổi từ khai thác nông nghiệp kiểu truyền thống sang nông nghiệp tuần hoàn, thuận tự nhiên, khép kín, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu tái chế, vừa gia tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo lợi ích kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đây được xem là xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững của tương lai.

Sự ra đời của Hội mang ý nghĩa to lớn, nhất là trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) đang thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn ngày càng phát triển rộng rãi. Một trong những doanh nghiệp tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ và hiện trở thành doanh nghiệp hữu cơ hàng đầu Việt Nam, là Tập đoàn Quế Lâm. Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Quế Lâm, người có hơn 30 năm tâm huyết theo đuổi con đường làm nông nghiệp hữu cơ, 20 năm xây dựng và phát triển Tập đoàn Quế Lâm - cũng là trưởng Ban sáng lập Hội Nông nghiệp Tuần hoàn Việt Nam.

Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng được bộ sản phẩm hữu cơ gồm: Phân bón hữu cơ 1 triệu tấn/năm) và các chế phẩm sinh học; các sản phẩm nông sản hữu cơ (gạo, thanh long, rau củ quả, trà, cà phê, thịt heo hữu cơ…) có chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe; được khách hàng, đối tác, người tiêu dùng tin cậy. 

Quan trọng hơn, bằng sự bền bỉ, kiên định trong hành trình làm nông nghiệp hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý đối với lĩnh vực này. Nếu như năm 2018 mới chỉ có 32 tỉnh đồng hành cùng Quế Lâm trên diện tích gần 60.000ha các loại cây trồng thì đến năm 2020 đã có 51 tỉnh thành cùng vào cuộc trên diện tích hơn 100.000 ha. Đây là những kết quả rất đáng mừng, cho thấy nhận thức về một nền nông nghiệp hữu cơ đã làm thay đổi cục diện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Từ trồng trọt đến chăn nuôi theo chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, những mô hình của Quế Lâm ngày càng gây được tiếng vang lớn và lan tỏa sâu rộng trong cả nước. Bộ NNPTNT đang phổ biến, nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn từ chăn nuôi đến trồng trọt của Tập đoàn Quế Lâm. 

Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và bà con nông dân cũng tích cực liên kết, hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hội kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng là nơi chia sẻ kinh nghiệm, liên kết mở rộng phạm vi hoạt động, hợp tác cùng phát triển và chuyển giao những mô hình hiệu quả về nông nghiệp hữu cơ của Quế Lâm cho các thành phần khác trong xã hội. Từ đó lan tỏa và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh - sạch - an toàn - bền vững; nền nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường và sức khỏe cộng đồng; nền nông nghiệp chia sẻ, không ai bị bỏ lại phía sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn