MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương

Hồi sinh thương hiệu vang bóng một thời: Giá trị cốt lõi đến từ chất lượng

Cường Ngô LDO | 25/09/2023 18:00

Tự hào hàng Việt Nam - Tinh hoa hàng Việt Nam - Từng là các thương hiệu nội địa nổi tiếng, nhưng trước sức ép cạnh tranh với đối thủ ngoại, không ít thương hiệu hụt hơi trong cuộc đua trên thị trường, thậm chí nhiều thương hiệu hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều thương hiệu như giày Thượng Đình, Biti’s… đã và đang hồi sinh trở lại một cách đầy mạnh mẽ.

Tìm lại ánh hào quang một thời đã mất

Trao đổi với Lao Động, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp, thương hiệu "vang bóng một thời" gần như có một điểm chung là nổi tiếng từ rất sớm khi Việt Nam chưa có nhiều sức ép cạnh tranh từ đối thủ ngoại.

Tuy nhiên, khi Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, tham gia vào các Hiệp định thương mại, có thị trường cạnh tranh đúng nghĩa, các thương hiệu xưa cũ lại trở nên "hụt hơi", mất dần danh tiếng và xếp sau các thương hiệu ngoại "làm mưa làm gió" trên chính thị trường Việt.

Có nhiều thời điểm, các thương hiệu, sản phẩm Việt phải chật vật để "chống chọi" giữa thương trường quá khốc liệt, tìm lại ánh hào quang một thời đã mất. Nếu không đổi mới, không đầu tư vào chất lượng sản phẩm, tổ chức quảng bá thương hiệu bằng nhiều kênh và cách thức khác nhau, chắc chắn, thương hiệu, sản phẩm Việt sẽ bị tụt lại phía sau. Chính vì vậy, việc tìm những thị trường ngách, hoặc đổi mới phương thức kinh doanh như Biti’s hay Thượng Đình đang làm là điều mà nhiều doanh nghiệp nên học hỏi.

Để hồi sinh lại thương hiệu Việt "vang bóng một thời", theo bà Nga, cơ quan quản lý nhà nước đã có những gói giải pháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp Việt. Đó là chương trình "Thương hiệu quốc gia Việt Nam", nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm, cũng như giá trị của doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và khẳng định vị thế trên thị trường.

Đó còn là cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", khuyến khích người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt; khơi dậy trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam. Từ đó, doanh nghiệp Việt, sản phẩm "made by Việt Nam", thương hiệu được tạo ra bởi đôi tay đầy tự hào của người Việt - được chính người Việt tin dùng và ưa chuộng.

Cần đặc biệt chú trọng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Để các doanh nghiệp Việt, những doanh nghiệp từng một thời khẳng định được vị thế của mình với khách hàng Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ, người lao động chuyên nghiệp, nâng cao chế độ đãi ngộ để người lao động gắn bó với công việc, mang lại những giá trị tích cực cho doanh nghiệp. Từ đó, sản phẩm của doanh nghiệp Việt đến người tiêu dùng cũng được cải thiện hơn.

Doanh nghiệp Việt cũng phải đầu tư công nghệ vào công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain để tối ưu hoá năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Ứng dụng chuyển đổi số để tiện lợi hóa trong tất cả quy trình có thể, từ sản xuất, quản lý, đóng gói, truyền thông đến bán hàng, chăm sóc khách hàng... Chú trọng quản trị tài sản trí tuệ vì nếu biết bảo vệ và phát triển thì sẽ ngày càng tạo ra nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, không được lơ là, thờ ơ với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã đàm phán thành công và ký kết. Đây là sân chơi rất lớn, cao cấp với nhiều cơ hội và thách thức cho tất cả các bên, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP.

"Thương hiệu không tốt, không thể nào duy trì nhịp thành công"

"Cho dù mọi chiến dịch truyền thông mình làm tốt như thế nào nhưng thương hiệu không tốt, không thể nào duy trì nhịp thành công của mình.

Đối với một thương hiệu, tôi nghĩ phải đến từ sản phẩm và điều thứ hai là sự thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi của xã hội mình đang diễn ra sao, mình cảm thấy đó là nhu cầu của giới trẻ đang cần. Với những người làm truyền thông, kinh doanh, mọi người quan sát giai đoạn này, đó là giai đoạn cực kỳ thú vị" - CEO Biti’s Vưu Lệ Quyên nói khi hồi sinh thương hiệu giày Biti’s.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn