MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hội thảo tìm giải pháp tín dụng để ngành lâm, thủy sản giữ vững vị thế xuất khẩu tỉ USD

Nhóm PV LDO | 11/04/2024 13:04

Với mục tiêu tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý cùng bàn luận, tìm giải pháp trong việc đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, gỡ các “nút thắt” về tín dụng, đặc biệt với các lĩnh vực như chế biến, xuất khẩu, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo “Tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản giữ vững vị thế ngành xuất khẩu tỉ USD”.

Hội thảo sẽ diễn ra vào 14h ngày 12.4.2024. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện ngân hàng thương mại, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia.

Hội thảo cũng được truyền hình trực tiếp trên Lao Động điện tử www.laodong.vn và Fanpage của Báo Lao Động.

This browser does not support the video element.

Doanh nghiệp lâm, thủy sản đối diện nhiều khó khăn hậu COVID-19

Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp lâm thủy sản đối diện nhiều khó khăn. Tuy nhiên đại diện một số doanh nghiệp cho biết, sau COVID-19 một năm mới là thời điểm khó khăn nhất.

Ông Trịnh Đức Kiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ - cho biết, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, lượng hàng bán bị giảm sây và chỉ số tồn kho tăng cao khiến doanh nghiệp ngành gỗ đối diện nhiều khó khăn.

"Thêm vào đó thời gian qua gặp vướng mắc về thủ tục hoàn thuế, làm cho nhiều doanh nghiệp bị mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền. Ngoài ra, cước phí vận tải biển tăng cao do các căng thẳng ở Biển đỏ trong các tháng gần đây làm chậm đáng kể tiến độ giao hàng và đẩy chi phí bán hàng lên cao" - ông Kiên nói.

Còn theo ông Lê Quý Việt, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa, trong 4 năm qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị nhiều khu vực trên thế giới dẫn đến thị trường biến động.

"Các sản phẩm của Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa chủ yếu là xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên hai thị trường này đang biến động rất lớn về suy thoái kinh tế, cước phí vận tải, dẫn đến công tác sản xuất và bán hàng gặp phải rất nhiều khó khăn.

Hiện tại, nguồn vốn doanh nghiệp đặc biệt là vốn lưu động phụ thuộc rất lớn vào vốn tín dụng của các ngân hàng. Tác động của chính sách về tín dụng đối với công ty là ảnh hưởng rất lớn" - ông Quý nói.

Cần giải pháp tín dụng để tháo gỡ

Dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên trong quý I/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 13,53 tỉ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu đạt 3,36 tỉ USD tăng 96,5%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng lâm sản 3,61 tỉ USD, tăng 18,8%; thủy sản 1,86 tỉ USD, tăng 1,9%; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%...

Để đạt được kết quả ấn tượng này, bên cạnh những nỗ lực từ ngành nông nghiệp, còn có sự đồng hành từ ngành Ngân hàng, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời. Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỉ đồng do Ngân hàng Nhà nước triển khai dành riêng cho ngành lâm sản, thuỷ sản đã gỡ nút thắt tài chính cho các doanh nghiệp. Đây là những chính sách kịp thời và vô cùng cần thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nói chung, sau giai đoạn “gồng gánh” khó khăn thời kỳ COVID-19.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: "Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, gói tín dụng 15.000 tỉ đồng dành riêng cho ngành lâm, thủy sản đã được thực hiện và có tiến độ giải ngân rất tốt. Chính có nguồn lực đó nên tốc độ tăng trưởng năm 2023 đã đạt được 3,83%. Việc giải ngân gói tín dụng có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với hai hiệp hội.

Ngành nông nghiệp còn rất nhiều đối tượng mong muốn có vốn, ví dụ như là trồng trọt, lĩnh vực khác về chế biến, về môi trường để chúng ta có thể là giảm phát thải, tăng trưởng xanh và để chuyển đổi số. Tín dụng là một yêu cầu rất cần thiết. Rất mong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hiệp hội ngành hàng để chúng ta có thể tăng trưởng và xuất khẩu đạt được mục tiêu là 54 - 55 tỉ USD vào năm 2024".

Trong hội thảo do Báo Lao Động tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại sẽ cùng nhau bàn luận, để gỡ các “nút thắt” về tín dụng nêu trên, đặc biệt với các lĩnh vực như chế biến, xuất khẩu, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển theo hướng bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn