MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngân hàng đang lên kế hoạch để cho vay ra thị trường với gói cấp bù lãi suất 3.000 tỉ đồng, tương đương quy mô cho vay hơn 100.000 tỉ đồng. Ảnh: TL

Hơn 100.000 tỉ đồng lãi suất 3-4%/năm sắp được ngân hàng tung ra

Lan Hương LDO | 27/09/2021 15:49

Dự kiến gói cấp bù lãi suất 3.000 tỉ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi 3-4%/năm sẽ được ngành ngân hàng "bơm" ra nền kinh tế trong thời gian tới.

“Các ngân hàng đang lên kế hoạch để cho vay ra thị trường với gói cấp bù lãi suất 3.000 tỉ đồng, tương đương quy mô cho vay hơn 100.000 tỉ đồng.

Các ngân hàng đã dành khoảng 26.000 tỉ đồng lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỉ và doanh số cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch lũy kế từ ngày 23.1.2020 đến nay đã đạt 4,46 triệu tỉ đồng” - ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Đánh giá về khoản tiền trên, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh - cho rằng nên ủng hộ gói hỗ trợ lãi suất, nhưng cách làm phải thông minh, phải làm 2 cách cùng lúc.

Trong đó, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất chung cho tất cả, mặt bằng lãi suất chỉ cần 1%. Cùng với gói này nữa khoảng 2-3%, tạo ra xung lực tổng cộng 4%. Phải có những biện pháp vĩ mô của Ngân hàng Trung ương cùng với biện pháp hỗ trợ từ ngân sách để tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất rõ rệt với doanh nghiệp. Pha trộn gói hỗ trợ lãi suất này với gói giãn hoãn của ngân hàng nhà nước đang thực hiện cần phải có những chế độ hạch toán, kế toán rõ ràng, minh bạch.

Việt Nam từng làm gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 và tài trợ tương đối mạnh tay vì suy giảm rất mạnh sau khủng hoảng năm 2008. Mức tài trợ khi đó khoảng 4-5% lãi suất, riêng gói tài trợ lãi suất lên tới khoảng 19.000 tỉ.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, một số chốt về vĩ mô không kiểm soát được dẫn đến không hiệu quả. Do đó, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hiện tạ,i nếu làm gói hỗ trợ lãi suất thì cần phải tránh được những rủi ro này. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng quy mô này quá nhỏ để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét. Theo ông, quy mô hỗ trợ phải đủ rộng và đủ lớn, "đừng như muối bỏ biển".

Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này. Ngoài ra, cũng cần tính toán kéo dài gói hỗ trợ này trong vòng bao lâu, để sau khi kết thúc thì "giải tán" quy chế này. Ngân sách và các ngân hàng thương mại cũng phải thanh toán sòng phẳng, thay vì trừ vào thuế doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn