MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Năng lượng và tái tạo. Ảnh: EVN

Hơn 16 tỉ USD đã rót cho nhiệt điện, nhà đầu tư vẫn không mặn mà với BOT

Cường Ngô LDO | 11/07/2023 16:07

Theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), hiện nay, nhiều nhà đầu tư tư nhân nước ngoài tiếp tục đầu tư vào các dự án nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam, tuy nhiên, các nhà đầu tư đã chuyển hướng sang đầu tư theo hình thức thông thường (IPP). Thực tế là hầu hết các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG hiện đang được nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đầu tư theo hình thức IPP.

Hơn 16 tỉ USD đã rót cho nhiệt điện BOT

Tại hội thảo "Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam" do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 11.7, ông Hoàng Tiến Dũng (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương) cho biết, trong lĩnh vực điện, tất cả dự án đã và đang triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư - chỉ theo một loại hình duy nhất là BOT; đều do nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đầu tư (không có sự tham gia góp vốn của Nhà nước).

Trong đó, chủ đầu tư góp vốn chủ sở hữu khoảng 20-25% tổng vốn đầu tư, còn lại khoảng 75-80% tổng vốn đầu tư là thu xếp vay từ các tổ chức tài chính quốc tế (tức là bên cho vay nước ngoài).

Những dự án nhà máy nhiệt điện đầu tiên được triển khai ký kết hợp đồng theo hình thức này bắt đầu từ năm 2001, gồm Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2; tiếp sau đó thêm một số dự án khác được triển khai thành công.

"Tính đến nay có tất cả 9 dự án nhà máy nhiệt điện được triển khai thành công theo hình thức BOT (tức là đã vận hành thương mại hoặc đang triển khai xây dựng), với tổng công suất khoảng gần 10.500MW và tổng vốn đầu tư thu hút được khoảng hơn 16 tỉ USD", ông Dũng nói.

Ngoài ra, còn có một số dự án khác chưa ký được hợp đồng BOT hoặc đang trong quá trình triển khai ở các giai đoạn khác nhau gồm: Sông Hậu 2 (2.120MW, than nhập khẩu), Vĩnh Tân 3 (1.980MW, than nhập khẩu), Nam Định 1 (1.200MW, than trong nước), tua-bin khí hỗn hợp Dung Quất 2 (750MW, khí trong nước), Sơn Mỹ 1 (2250MW, LNG nhập khẩu), Sơn Mỹ 2 (2.250MW, LNG nhập khẩu) và tua-bin khí hỗn hợp Quảng Trị (340MW, khí trong nước).

Toàn cảnh hội thảo sáng 11.7. Ảnh: Anh Tuấn

Nhiều dự án nhiệt điện khó khăn

Việc thực hiện những dự án BOT trong lĩnh vực điện, ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng còn nhiều khó khăn như bên cho vay nước ngoài cung cấp khoảng 75-80% tổng vốn đầu tư nên có vai trò quyết định đối với dự án.

Chỉ khi nào bên cho vay nước ngoài chấp thuận thì các hợp đồng dự án mới có thể được ký kết và dự án mới có thể hoàn thành thu xếp tài chính, khởi công xây dựng và vào vận hành thương mại. Yêu cầu của bên cho vay nước ngoài để cấp vốn cho dự án là rất chặt chẽ và khắt khe.

Ngoài ra, theo xu thế toàn cầu hiện nay, hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế đã không tiếp tục tài trợ vốn cho các dự án nhiệt điện than. Vì vậy, việc triển khai các dự án nhà máy nhiệt điện than theo hình thức BOT gặp rất nhiều khó khăn, không thể đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Bộ Công Thương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng BOT với chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án, tuy nhiên, các hợp đồng khác trong bộ hợp đồng dự án (như: Hợp đồng Mua bán điện, Hợp đồng Thuê đất, Hợp đồng Cung cấp than, Hợp đồng Cung cấp khí) lại do các đối tác phía Việt Nam khác (như: EVN, UBND tỉnh, TKV, PVN) ký kết với doanh nghiệp dự án.

Bộ Công Thương, với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và là đối tác của chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án trong Hợp đồng BOT, sẽ là đầu mối để giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các hợp đồng đã ký kết.

Vì vậy, trong trường hợp các đối tác phía Việt Nam khác không hỗ trợ hoặc có ý kiến không đồng thuận, Bộ Công Thương sẽ không thể giải quyết được vướng mắc và phải chịu trách nhiệm với đối tác nước ngoài theo Hợp đồng BOT.

Do vậy, về giải pháp, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, các đối tác dự án phía Việt Nam (như EVN, TKV, PVN, UBND tỉnh) cần phải đảm bảo tuân thủ đúng cam kết trong các hợp đồng dự án đã ký kết với doanh nghiệp dự án, tránh để xảy ra vi phạm hợp đồng dẫn đến việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Chính phủ phải đền bù cho doanh nghiệp dự án.

"Hiện nay, nhiều nhà đầu tư tư nhân nước ngoài tiếp tục đầu tư vào các dự án nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam, tuy nhiên, các nhà đầu tư đã chuyển hướng sang đầu tư theo hình thức thông thường (IPP). Thực tế là hầu hết các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG hiện đang được nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đầu tư theo hình thức IPP", ông Dũng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn