MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hơn 2 tháng giải cứu, nông dân Vĩnh Long không còn tha thiết với cam sành

HOÀNG LỘC LDO | 25/04/2023 06:10

Sau hơn 2 tháng kêu gọi giải cứu, mặc dù thị trường tiêu thụ có dấu hiệu khởi sắc nhưng giá cam sành vẫn ở mức thấp, nhiều nông dân trồng cam sành huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long có ý định trồng loại nông sản khác sau khi thu hoạch hết đợt cam này.

Sức tiêu thụ tăng, giá bán vẫn thấp

Nhiều nông dân trồng cam sành huyện Trà Ôn cho biết, hiện nay cam sành đang vào đợt chín rộ trong năm. Hiện không còn cảnh bị thương lái kỳ kèo, kén lựa, nhưng vẫn mua ở giá thấp.

 Cam sành hiện được thu mua nhiều nhưng giá vẫn ở mức thấp. Ảnh: Hoàng Lộc

Ông Trương Văn Dũng (Ba Dũng) - nông dân trồng 1,3 ha cam sành ở ấp Hiệp Thành, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - cho biết, năm nay, sản lượng cam vườn nhà ông đạt khoảng 10 tấn/công (1.000m2), cao hơn khoảng 3 tấn/công so với những năm trước. Tuy nhiên, giá bán rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với giá của năm trước. Trong khi đó, các loại chi phí đầu tư, từ phân, thuốc đến tiền công lao động,... mỗi thứ đều tăng, thành ra lỗ nặng hơn.

“Giá cam tôi đang bán là 6.200 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng/kg so với gần tháng trước. Với mức giá này, tôi lỗ gần 3.000 đồng/kg vì chi phí làm ra 1 kg cam để bán đến tay thương lái cũng từ 7.000 - 9.000 đồng”, ông Ba Dũng cho biết.

Mỗi kg cam sành, nông dân phải tốn chi phí từ 7.000 - 9.000 đồng. Ảnh: Hoàng Lộc 

Thương lái Đặng Văn Diện, ở xã Hòa Bình thông tin, vào cuối tháng 3.2023, giá cam tầm 7.000 - 7.500 đồng/kg. Sức tiêu thụ ổn định, mỗi ngày giao khoảng 4 - 5 tấn cho vựa cam lớn ở Trà Vinh. Tuy hiện nay sức tiêu thụ tăng, mỗi ngày cắt bán khoảng 7 - 10 tấn cam, nhưng giá lại giảm xuống chỉ còn hơn 6.000 đồng/kg.

Ông Bảy Đan - một chủ vựa cam lớn ở xã Thới Hòa - cho biết, trước đây, mỗi ngày vựa cam của ông xuất đi khoảng 25 - 30 tấn nhưng hiện nay, mỗi ngày phải tiêu thụ từ 35 đến 40 tấn. Tuy nhiên, giá lại thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg.

“Lý do giá cam rẻ hơn do đang vào chính vụ, thu hoạch nhiều, cộng thêm năng suất và diện tích trồng cam tăng vọt khiến cung vượt cầu, nên giá thấp là chuyện không lạ”, ông Bảy Đan phân tích.

Nông dân tính chuyện bỏ cam

Cũng có hơn 2 ha trồng cam sành ở huyện Trà Ôn, chị Trần Thị Thúy Nhi cho biết, gia đình chị mới trồng cam được hơn 2 năm. Đúng ra thời điểm này, gia đình đã phải bắt tay làm bông chuẩn bị cho vụ trái năm sau. Nhưng qua theo dõi tình hình, thấy giá cam khó tăng lên mức 18.000 - 20.000 đồng/kg như những năm trước nên gia đình chị quyết định không làm bông mà để ra trái tự nhiên, được bao nhiêu hái bấy nhiêu nhằm hạn chế chi phí thấp nhất.

Nông dân Ba Dũng cho biết cam sành năm nay đạt sản lượng khoảng 10 tấn/công. Ảnh: Hoàng Lộc 

“Làm bông mỗi công tốn chi phí từ 6 - 8 triệu. Nếu làm hết 20 công, tổng chi phí lên đến khoảng 150 triệu. Trong khi năm nay bán giá thấp không đủ chi phí nhân công và vật tư nông nghiệp nên tôi quyết định không làm trái cho an toàn”, chị Thuý Nhi cho biết thêm.

Ông Ba Dũng cũng cho biết, đang tìm hỏi các thông tin về nguồn giống và thị trường tiêu thụ của cóc Thái để chuyển đổi 5 công trồng cam đã 7 năm của gia đình. “Thay vì đốn trồng lại do cam già rồi, mà giờ giá cam thấp vậy nên tôi tìm loại trái cây khác trồng mà chi phí sản xuất thấp cho an toàn”, ông Dũng chia sẻ.

Vụ cam năm nay, với hơn 2 ha cam sành, ông Nguyễn Văn Thành (Bảy Thành) ở xã Thới Hòa lỗ hơn 500 triệu đồng. Theo ông Thành, do những năm trước trồng cam bán lãi cao, nhiều người thấy dễ ăn nên ùn ùn trồng cam, đã đẩy sản lượng năm nay tăng vọt.

“Nhà tôi đã bàn bạc rất kỹ sẽ chuyển sang trồng bưởi Năm roi. Giá loại trái cây này dù cũng có lúc tăng lúc giảm nhưng không thấp đến nỗi phải kêu gọi giải cứu như cam sành hồi tháng 2 vừa rồi”, ông Bảy Thành cho biết.

Theo thống kê, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 17.000ha cam sành, tăng gần 3.000ha so với năm 2020. Cam sành được trồng nhiều nhất tại huyện Trà Ôn (hơn 9.500ha), huyện Tam Bình (hơn 3.300ha), huyện Vũng Liêm (hơn 2.800ha).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn