MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vĩnh Long còn khoảng 75% diện tích trồng sầu riêng chưa được cấp mã vùng trồng xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Lộc

Hơn 75% diện tích sầu riêng ở Vĩnh Long chưa được cấp mã số vùng trồng

HOÀNG LỘC LDO | 27/02/2024 19:00

Hơn 75% diện tích trồng sầu riêng tại tỉnh Vĩnh Long chưa được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, dẫn đến đầu ra gặp nhiều khó khăn và lợi nhuận chưa như mong đợi.

Đã có hơn 26 năm trồng sầu riêng, ông Trần Hữu Nghĩa (xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, các bước kiểm định, xét duyệt tại vườn sầu riêng hơn 5ha của ông đều đã hoàn tất từ tháng 5.2023. Nhưng đợi 6 tháng, ông vẫn chưa được cấp mã số vùng trồng để xuất sang nước ngoài.

"Nếu cứ như vậy, tôi sẽ mất một khoản tiền vì chi phí chăm sóc vườn sầu riêng từ thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại,… đều theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Nhưng hiện chưa xuất được nên tới đợt thu hoạch đành phải tiêu thụ nội địa với giá thấp, mất đi một khoảng lợi nhuận” ông Nghĩa nói

Cũng mong muốn được cấp mã số vùng trồng cho diện tích 0,5ha sầu riêng của mình, ông Phạm Minh Thống (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, do địa phương chưa có nhiều người trồng sầu riêng nên không đủ điều kiện để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Theo ông Thống, xã Hòa Ninh là vùng chuyên trồng chôm chôm, nên sầu riêng là loại cây trồng mới, chưa được nhiều người canh tác. Chấp nhận giá bán nội địa, ông Thống hy vọng trong tương lai, xã Hòa Ninh sẽ tăng diện tích trồng sầu riêng, qua đó đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Mã số vùng trồng giúp nông dân thực hiện quy trình trồng đủ chuẩn xuất khẩu, giảm chi phí nâng cao giá trị trái sầu riêng. Ảnh: Hoàng Lộc

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long - thông tin, toàn tỉnh có khoảng 4.000ha diện tích canh tác sầu riêng. Trong đó, có 20 vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số xuất khẩu với trên 500ha, chủ yếu thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo ông Thanh, thời quan qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp cùng các địa phương tăng cường triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân hoàn tất hồ sơ cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Đến nay, có thêm 24 vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 600ha đang chờ nước nhập khẩu cấp mã số.

Cũng theo ông Thanh, việc cấp mã số vùng trồng cây sầu riêng đã giúp nâng cao tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ thông qua hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sầu riêng với các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản phục vụ đóng gói, xuất khẩu. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng trái thương phẩm, tăng khả năng cạnh tranh thị trường tiêu thụ, đưa đến nâng cao thu nhập của người nông dân.

“Đa số người nông dân trồng sầu riêng đều mong muốn được cấp mã số vùng trồng để nâng cao giá trị thông qua việc xuất khẩu. Nhưng, do diện tích trồng sầu riêng tại một số nơi còn nhỏ lẻ nên chưa đáp ứng đủ điều kiện được cấp mã số. Đặc biệt, việc cấp mã số vùng trồng đó còn phụ thuộc vào yêu cầu của từng nước nhập khẩu”, ông Thanh cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn