MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sáng 4.10. Ảnh: TTXVN

Hợp tác FDI cần chủ động, bình đẳng, có tính lựa chọn

ĐẶNG TIẾN LDO | 05/10/2018 08:07
Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cùng thảo luận về chiến lược, định hướng giải pháp cho FDI trong giai đoạn phát triển mới.

Sáng 4.10, tại Hà Nội, Bộ KHĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị, cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia về đầu tư nước ngoài, các Hiệp hội doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng thảo luận về chiến lược, định hướng giải pháp cho FDI trong giai đoạn phát triển mới. 

Động lực quan trọng của nền kinh tế

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, sau 3 thập kỷ đầu tư tại VN, khu vực FDI đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế với 26.646 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 334 tỉ USD đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỉ trọng lớn nhất (57,1%) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Đầu tư nước ngoài đã góp gần 20% GDP và là nguồn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư và phát triển với tỉ trọng khoảng 3,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Việc thu hút đầu tư nước ngoài đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Qua đó, FDI đã đóng góp và là động lực quan trọng thúc đấy tăng trưởng kinh tế VN. Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra gần 4 triệu việc làm và thu nhập ổn định và gần 6 triệu lao động gián tiếp, nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế.

Cùng đó, khu vực FDI cũng là những đơn vị tiên phong trong việc đào tạo, nâng cao trình độ và tác phong công nghiệp của đội ngũ CNLĐ, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Nhiều vị trí trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm nay đã được thay thế bằng lao động VN.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định VN tiếp tục coi khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, khuyến khích phát triển phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển KTXH của đất nước.

Mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Không phải cái gì cũng nhận

Mặc dù khu vực FDI đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế cụ thể như việc kết nối, lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước chưa đạt được kỳ vọng, chuyển giao công nghệ còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường, hiệu quả sử dụng đất chưa cao.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc mở cửa thu hút FDI là chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu của đất nước. Việt Nam trở thành một trong những khu vực thu hút FDI thành công nhất thế giới.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong thời gian tới, VN thực hiện với nội hàm mở rộng hơn, không chỉ thu hút vốn mà còn hợp tác về quản lý, tăng cường mua lại, sáp nhập, hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác về lao động, đảm bảo công bằng xã hội.

Hợp tác FDI mang tính chủ động, bình đẳng, có tính lựa chọn của Việt Nam. Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì là ta nhận nấy. Cần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

FDI tạo ra gần 4 triệu việc làm có thu nhập ổn định. Dây chuyền của công nhân Cty Sumi Vietnam. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Thu hút đầu tư công nghệ cao

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, mấu chốt của quản lý đầu tư công là phải lấy thước do hiệu quả là tiêu chí duy nhất để lựa chọn dự án đầu tư trên cơ sở tiêu chí đó phải đánh giá dự án, thẩm định xong thì mới quyết định đầu tư.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình đầu tư, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Becamex Bình Dương Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thủ tục hành chính vẫn là vấn đề quan trọng với nhà đầu tư.

Cùng đó, trước khi quyết định đầu tư các DN rất cần chuỗi cung ứng để xây dựng kết nối trong phát triển SXKD. Đặc biệt là kết nối về hạ tầng giao thông và kết nối giữa các khu công nghiệp tạo chuỗi logistic để đảm bảo cung cầu hàng hoá tốt nhất.

Theo đại diện Tập đoàn Hanwha (sản xuất thiết bị giám sát và động cơ máy bay) - ông Youn Chul Kim, Việt Nam đang có nguồn nhân lực trẻ có tay nghề và dồi dào, đây là yếu tố tốt để hỗ trợ các DN FDI đầu tư tại VN.

Cũng theo ông Kim, hiện nay môi trường đầu tư của VN rất tốt, do đó đã thu hút nhiều DN công nghệ cao vào đầu tư. Do đó, Hanwha mong muốn Chính phủ VN hỗ trợ tốt hơn nữa về cơ chế chính sách để các sản phẩm của Cty mang thương hiệu VN được người tiêu dùng VN lựa chọn sử dụng.

Cùng đó, TGĐ Sembcorp Kavin TEO cho biết sau 20 năm đầu tư tại VN hiện Sembcorp đang chuyển hướng đầu tư vào các mảng như nhà ở, năng lượng xanh, năng lượng sạch phục vụ cho đối tượng là người VN.

Với mục tiêu sẽ mang đến 5 điều cốt lõi: Đầu tư nước ngoài, các chỉ số xuất khẩu, lao động, thuế, chuyển giao công nghệ để có thể kết hợp với Chính phủ Việt Nam.

Để ghi nhận những kết quả đạt được của 30 năm thu hút FDI, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao Động cho một số tập thể và cá nhân:

* Huân chương Lao Động hạng Nhất cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư

* Huân chương Lao Động hạng Ba cho Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT)

* Huân chương Lao Động hạng Ba cho Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn