MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tọa đàm có sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp hai bên. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Hợp tác kinh tế Việt Nam - Quảng Đông - Hồng Kông: Hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ Việt-Trung

Vân Anh LDO | 20/07/2017 07:00
Ngày 19.7, tại Hội nghị lần 6 kiểm điểm tình hình hợp tác giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Đông, Hồng Kông), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và mong muốn đưa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Quảng Đông, Hồng Kông của Trung Quốc trở thành hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ Việt - Trung.

“Láng giềng nhỏ trong láng giềng lớn”

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. “Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam lại càng đặc biệt coi trọng quan hệ với Quảng Đông và Hồng Kông, bởi Việt Nam, Quảng Đông và Hồng Kông chính là hai láng giềng nhỏ trong láng giềng lớn” - Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung và Phó Tỉnh trưởng thường trực tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) Lâm Thiếu Xuân nhất trí cho rằng, cùng với đà phát triển của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các bộ, ngành và địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông đạt nhiều tiến triển tích cực. Thứ trưởng Lê Hoài Trung đề nghị Quảng Đông tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông-lâm-thủy-hải sản, các sản phẩm sữa, hoa quả đã chế biến có mặt nhiều hơn trên thị trường Quảng Đông, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung phát triển cân bằng, bền vững; tích cực thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh đầu tư vào Khu công nghiệp An Dương, Hải Phòng.

Phó Tỉnh trưởng Lâm Thiếu Xuân khẳng định, tỉnh Quảng Đông coi trọng phát triển quan hệ với các bộ, ngành và địa phương Việt Nam; sẵn sàng phối hợp triển khai tốt các chương trình hợp tác trong thời gian tới, nhất là các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư. Tỉnh Quảng Đông mong muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam quan tâm, nghiên cứu dành ưu đãi về chính sách cho việc xây dựng Khu công nghiệp An Dương tại Hải Phòng.

Hợp tác cùng thắng

Tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Đông, Hồng Kông), đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Quảng Đông, Hồng Kông khẳng định tiềm năng hợp tác sẽ không dừng ở đó, và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho nhau để hợp tác cùng thắng, hai bên cùng có lợi. Tiền đề đầu tiên và căn bản là kinh tế Việt Nam thời gian qua liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%, bất chấp những thách thức từ khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Về phần mình, Quảng Đông tiếp tục là đầu tàu kinh tế của Trung Quốc với tăng trưởng năm 2016 đạt 7,5%, trong khi Hồng Kông, sau 20 năm trở về với Trung Quốc, tiếp tục khẳng định vững chắc vai trò trung tâm tài chính ở khu vực.

Thêm vào đó, thị trường tiêu dùng Việt Nam có quy mô và sức mua ngày càng lớn: Tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng 11% mỗi năm và ước tính sẽ chiếm 50% dân số vào năm 2035. Văn hóa tiêu dùng ngày một phổ biến, mua sắm không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn là sở thích, đặc biệt là ở các đô thị. Đây là một thị trường đầy hứa hẹn cho hàng hóa chất lượng cao của Quảng Đông, Hồng Kông và của các thương hiệu quốc tế sản xuất tại đây.

Việt Nam đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, nông nghiệp, thủy sản. Những sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt, đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, với quy mô sản xuất ngày càng rộng, sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu từ thị trường hơn 100 triệu dân của Quảng Đông. Trong khi đó, Hồng Kông là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn nói chung.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực cải cách, hội nhập quốc tế. Sau 30 năm đổi mới thành công, Việt Nam đang quyết liệt khởi xướng làn sóng đổi mới thứ hai. Một trọng tâm của chiến lược này là hoàn thiện hành lang pháp lý và tối ưu hóa môi trường đầu tư theo hướng tạo thuận lợi tối đa và bình đẳng cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Sáu tháng đầu năm 2017, vốn FDI đăng ký đạt 19,2 tỉ USD, cao nhất từ 2010 đến nay, cho thấy ngày càng nhiều nhà đầu tư tin tưởng và lạc quan về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Lâm Thiếu Xuân cho biết: Việt Nam có thể tận dụng thị trường Quảng Đông để đẩy mạnh xuất khẩu.

GDP của Quảng Đông năm 2016 đạt 1,16 nghìn tỉ USD, tương đương nền kinh tế lớn thứ 15 thế giới. Kim ngạch thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam với Quảng Đông 2016 đạt 17 tỉ USD, bằng nửa tổng kim ngạch cùng kỳ của Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Trong năm 2016, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hồng Kông là 6,09 tỉ USD. Tính đến tháng 3.2017, Hồng Kông là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ sáu tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 17 tỉ USD.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn