MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Châu chấu bay dày đặc bầu trời tại Jaipur. Ảnh: AFP

Huy động radar ứng phó phát hiện sớm châu chấu sa mạc vào Việt Nam

Vũ Long LDO | 03/06/2020 10:06

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kế hoạch ứng phó với nạn châu chấu sa mạc có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam.

Châu chấu đã xuất hiện ở 4 tỉnh Việt Nam

Tại văn bản số 3659/BC-BNN-BVTV báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình hình dịch châu chấu sa mạc trên thế giới và kế hoạch phòng chống của Việt Nam, Bộ NNPTNT nhấn mạnh, châu chấu sa mạc di chuyển qua lại theo hướng gió, nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam không cao. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu có thể làm biến đổi nhân tố thời tiết, có khả  năng làm thay đổi quy luật phát sinh nhiều dịch  bệnh trong đó có dịch châu chấu, sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn. 

Tại Việt Nam, ngay cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm nay châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện và gây hại trên diện hẹp ở tre, luồng, vầu… tại 4 tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Ninh với tổng diện tích bị hại là 69ha;

Ngay sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã đưa châu chấu vào diện giám sát đặc biệt, rà soát thuốc dự trữ quốc gia để bổ sung dự trữ thuốc dập dịch châu chấu.

Hàng tỉ con châu chấu đang tàn phá mùa màng tại Châu Phi và xâm nhập vào nhiều nước. Nguồn: Reuters

Bộ NNPTNT cũng đã lên phương án sẵn sàng triển khai chống dịch châu chấu, cập nhật kế hoạch phòng chống châu chấu sa mạc theo các thông tin, tài liệu kỹ thuật thu thập được và theo ý kiến tham mưu, đề xuất của các bộ Tài chính và Quốc phòng...

Tiêu diệt sớm khi châu chấu vừa xâm nhập, mới nở

Hiện tại, Bộ NNPTNT đang theo dõi sát tình hình của đàn châu chấu di cư; tham khảo các thông tin cảnh báo, dự báo của FAO và các nước có liên quan trong khu vực để chủ động phương án phòng, chống.

Đối với châu chấu sa mạc, Bộ NNPTNT cũng làm việc với Bộ Quốc phòng về thiết bị phun thuốc và khả năng phát hiện châu chấu ở độ cao từ 2.000m hoặc hơn;

Làm việc với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn để phối hợp sử dụng rađa dân sự để phát hiện sớm đàn châu chấu.

Đối với châu chấu tre lưng vàng, Bộ NNPTNT cũng đã chỉ đạo Cục Bảo vệ Thực vật tiếp tục giám sát tình hình phát sinh châu chấu non ở các địa phương để chỉ đạo phòng, trừ sớm ngay khi châu chấu non vừa nở.

Đặc biệt, từ tháng 6-7.2020, khả năng châu chấu trưởng thành từ Lào di trú sang Việt Nam gây hại. Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương vùng miền núi phía Bắc giám sát châu chấu di cư qua biên giới để phòng trừ sớm ngay khi châu chấu xâm nhập.

Để sẵn sàng chống dịch, Cục Bảo vệ Thực vật triển khai các nghiên cứu, ứng dụng một số chế phẩm sinh học như nấm Metarhizium Anisopliae, Beauveria Bassiana, Nucleo Polihedrosis virus và nhân nuôi các loài ăn thịt (gà, vịt, chim…) để quản lý châu chấu tre lưng vàng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong trường hợp châu chấu sa mạc vào Việt Nam, các ngành liên quan sẽ huy động radar phát hiện sớm đàn châu chấu khi chúng mới di chuyển đến Việt Nam hoặc di chuyển trong nội địa; ứng dụng bản đồ gió theo thời gian thực xác định hướng di chuyển của đàn châu chấu để cảnh báo các địa phương sẵn sàng phòng chống...

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, châu chấu sa mạc tiếp tục sinh sản, lây lan và gây hại ở khu vực Đông Phi, một số quốc gia ven biển đỏ (Yemen, Rập Xê Út) và phía Nam Iran, có khả năng tiếp tục di cư sang các nước khu vực Nam Á (Pakistan, Ấn Độ,…) trong tháng 6-7.2020 theo hướng gió mùa Tây Nam và gió Tây, từ đó có thể xâm nhập vào nước ta, cần khẩn trương ứng phó, không được chủ quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn