MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù bị siết tín dụng nhưng các ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động (ảnh minh họa).

Huy động vốn cuối năm, ngân hàng tăng lãi suất

G.Miêu LDO | 14/10/2018 06:30
Tín dụng bị siết nhưng nhu cầu vốn của các ngân hàng vẫn có dấu hiệu tăng cao trong thời gian gần đây. Điều này đã khiến lãi suất huy động của các ngân hàng nhích lên.

Theo quan sát trên thị trường, không chỉ ngân hàng quy mô nhỏ mà ngay cả những ông lớn cũng vừa tăng lãi suất ở hàng loạt kỳ hạn.

Đơn cử như Vietcombank đã tăng thêm 0,2 điểm phần trăm tại các kỳ hạn ngắn, lên 4,3%/năm đối với lãi suất 1 tháng, 2 tháng và 5,3%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng và 9 tháng giữ nguyên, lần lượt là 4,6%/năm và 5,5%/năm. Đối với các kỳ hạn từ 1 năm trở lên, lãi suất đồng loạt được kéo lên 6,6%/năm, thay vì mức 6,5%/năm trước đó.

VPBank ưu tiên nâng lãi suất kỳ hạn ngắn thêm tới 0,4 điểm phần trăm. Với nhóm kỳ hạn dài, lãi suất cũng được nâng thêm 0,3 điểm phần trăm. Ngân hàng này đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 5%/năm đối với hình thức tiền gửi tiết kiệm tại quầy với số dư dưới 5 tỷ đồng và thêm 0,1%/năm đối với các khách hàng gửi số tiền lớn hơn.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng phổ biến 4,3 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 - 8%/năm.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, dù room tín dụng khó được nới thêm, song dư địa cho vay còn lại những tháng cuối năm được đánh giá còn lớn. Các ngân hàng cũng chuyển hướng sang cho vay nhỏ lẻ. Vì thế, cầu huy động vốn đảm bảo thanh khoản.

Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định nâng lãi suất cơ bản lên mức 2 - 2,25%/năm. Đây là lần nâng lãi suất thứ ba trong năm của Fed, song cơ quan này cho biết, sẽ thêm một lần tăng vào cuối năm nay và 3 lần nữa trong năm tới.

Việc Fed nâng thêm lãi suất USD vào cuối tháng 9 vừa qua phần nào tạo áp lực lên lãi suất tiền đồng. Theo một chuyên trong lĩnh vực tài chính, đồng USD trong xu hướng tăng giá nên nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động tiền đồng để tránh việc khách hàng rút tiền đồng chuyển sang đầu cơ USD hoặc qua các kênh đầu tư khác (bất động sản, chứng khoán…).

Theo đánh giá của các nhà phân tích tài chính, lãi suất tăng cũng bắt nguồn từ việc các ngân hàng tăng huy động nhằm đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ rút từ 45% hiện tại xuống còn 40% vào đầu năm 2019. Dù có tính thanh khoản cao thì việc rút 5% trong tổng số dư nguồn vốn huy động ngắn hạn như vậy là một khối lượng rất lớn nên các ngân hàng vẫn cần cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng tỷ lệ trên.

Ngoài lý do trên thì việc lãi suất tăng cũng được cho là biện pháp chủ động của NHNN thông qua hoạt động rút ròng, từ đó khiến lãi suất liên ngân hàng bằng VND tăng lớn hơn mức tăng của lãi suất USD, giúp đồng nội tệ tăng giá, góp phần hạ nhiệt tỷ giá.

Đánh giá chung các chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi khó giảm vào cuối năm, dù mức tăng không quá cao, song sẽ tác động lên lãi suất đầu ra.

Hiện lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9 - 12%/năm đối với trung và dài hạn; đối với khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 - 5%/năm.

Mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (DVSC) cũng đưa ra một báo cáo trong đó đánh giá trong thời gian còn lại của năm 2018, khả năng cao Fed sẽ tăng lãi suất 2 lần vào tháng 9 và tháng 12. Do đó, VDSC nhận định lãi suất tại Việt Nam có thể sẽ tăng vào trong năm 2019.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn