MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủy sản Hùng Vương trả giá đắt cho việc sử dụng vốn vay ngắn hạn đầu tư dài hạn. Ảnh: Tư liệu Hùng Vương

Hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu HVG: Nỗi buồn cho cổ phiếu của "Vua cá tra"

Gia Miêu LDO | 30/07/2020 15:38

Được mệnh danh là “Vua cá tra” trong ngành thủy sản, tuy nhiên, kể từ khi rơi vào nợ nần, Công ty cổ phần Hùng Vương của đại gia Dương Ngọc Minh đã phải bán ra loạt công ty con cũng như nhiều tài sản khác để gồng gánh doanh nghiệp, không những vậy cổ phiếu cũng bị hủy niêm yết bắt buộc.

Khoảng thời gian từ 2008 - 2014 có thể nói là giai đoạn tăng tốc của "vua cá tra" khi doanh thu của Công ty cổ phần Hùng Vương (Hùng Vương) tăng liên tục từ hơn 2,9 nghìn tỉ đồng lên đến gần 15 nghìn tỉ đồng. 

Năm 2014 cũng là năm đánh dấu tên tuổi của Hùng Vương và và vị Chủ tịch công ty là đại gia Dương Ngọc Minh trên sàn chứng khoán khi giá cổ phiếu tăng liên tục và tạo đỉnh vào phiên 6.10.2014 tại mức giá 22.012 đồng một cổ phiếu.

Ông Dương Ngọc Minh, đang là cổ đông lớn nhất của Hùng Vương khi nắm giữ gần 87 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 38%. Trong giai đoạn thăng hoa của Hùng Vương, ông Dương Ngọc Minh cũng từng lọt vào top hai doanh nhân giàu trong lĩnh vực thủy sản trên sàn chứng khoán năm 2012. Và danh xưng “vua xuất khẩu cá tra” cũng gắn liền với ông từ đây.

Dẫu vậy, bắt đầu từ năm 2015 là năm mở màn cho sự suy thoái của Hùng Vương khi công ty liên tục rơi vào tình cảnh khó khăn. Với tham vọng doanh thu tỉ USD sau hàng loạt vụ thâu tóm và mở rộng sản xuất… đã nhanh chóng khiến Hùng Vương vào cảnh khó khăn.

Chỉ 2 năm 2016-2017, Hùng Vương từ đỉnh vinh quang trượt dài trong nợ nần và báo lỗ ròng 2 năm hơn 760 tỉ đồng. Riêng chỉ có năm 2018 lãi nhưng cũng chỉ vỏn vẹn 2 tỉ đồng. Liền sau đó, năm 2019 Hùng Vương lại báo lỗ hơn nghìn tỉ. Đây là con số lỗ cao nhất tính từ khi niêm yết của Hùng Vương. Kết quả đó khiến Hùng Vương phải ôm khoản lỗ lũy kế hơn 1,4 nghìn tỉ đồng tính đến 30.09.2019. Suốt một thời gian dài vừa qua, cổ phiếu HVG của công ty chỉ dao động dưới ngưỡng 4.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu.

Cùng với việc doanh thu và lợi nhuận lao dốc, một trong những vấn đề khác của Hùng Vương chính là việc dùng đòn bẩy tài chính cao trong điều kiện không thích hợp lúc tình hình thị trường cá tra không mấy thuận lợi.

Đây cũng là một trong những nhân tố đưa khiến kinh doanh đến bước đường khó khăn. Ngoài ra, việc vay nợ để mở rộng hoạt động kinh doanh, tài trợ cho các hoạt động đầu tư, mua bán sáp nhập đã khiến cho Hùng Vương phải gánh những khoản nợ khổng lồ trong bối cảnh kinh doanh không sáng sủa. Đỉnh điểm vào năm 2016, nợ phải trả của Hùng Vương ghi nhận hơn 13,3 nghìn tỉ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu tại thời điểm đó. Còn tính thời điểm năm 2019 con số nợ của Hùng Vương cũng hơn 7 nghìn tỉ đồng.

Không chỉ vậy, Hùng Vương còn bị kiểm toán liên tục đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Và mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) vừa có quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 227 triệu cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Hùng Vương từ ngày 5.8. Nguyên nhân hủy niêm yết là vì Công ty cổ phần Hùng Vương đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HOSE, hoặc Ủy ban chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết hủy niêm yết nhằm bảo vệ nhà đầu tư.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay của Hùng Vương, sự xuất hiện của Thaco với vai trò là cổ đông lớn sau khi thỏa thuận mua vào gần 60 triệu cổ phiếu Hùng Vương, nắm tỷ lệ sở hữu 26%, vào tháng 3 vừa qua đặt ra nhiều hy vọng cho các cổ đông. Giới đầu tư cũng đang đặt ra câu hỏi liệu rằng với sự xuất hiện của Thaco, có thể giúp Hùng Vương tìm thấy được ánh sáng cuối đường hầm để quay trở lại vị thế "Vua cá tra" trong thời gian tới?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn