MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hủy niêm yết và “trái đắng” cho cổ đông nhỏ

Gia Miêu LDO | 11/12/2019 11:37
Do kinh doanh thua lỗ, không minh bạch trong công bố thông tin hoặc tài chính của công ty có vấn đề là những lý do đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp buộc phải hủy niêm yết trên để lại "trái đắng" cho cổ đông và nhà đầu tư đại chúng.

Thống kê cho thấy tới thời điểm này của năm 2019, đã có khoảng 30 doanh nghiệp buộc phải hủy niêm yết trên sàn HOSE và HNX. Trong đó, đa số doanh nghiệp phải hủy niêm yết vì kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân đáng quan tâm là nhiều doanh nghiệp phải hủy niêm yết vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin trong đó có nhiều doanh nghiệp sai phạm kéo dài nhiều năm. Đối với các doanh nghiệp niêm yết, việc công bố thông tin định kỳ về hoạt động kinh doanh, hoạt động giao dịch cổ phiếu... là bắt buộc. Nhiều doanh nghiệp không tuân thủ quy định này nên phải rời sàn. Thực tế, một số doanh nghiệp trong nhóm này cũng đồng thời rơi vào trường hợp lỗ 3 năm liên tiếp, hoặc lợi nhuận mỗi năm mỗi giảm, hoặc lỗ trong các quý gần nhất trước ngày hủy niêm yết.

Một trường hợp đáng chú ý là Vinavico (CTA), sắp bị hủy niêm yết vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Cụ thể, Công ty chưa công bố hàng loạt các báo cáo tài chính từ năm 2017 đến nay.

Đồng thời, Sở GDCK Hà Nội cũng chưa nhận được thông tin công bố nào liên quan đến việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 và 2019 của công ty. Chính vì vậy, Sở GDCK Hà Nội đã thông báo về việc tạm ngừng giao dịch cổ phiếu CTA do công ty không khắc phục nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát và tiếp tục vi phạm công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện kiểm soát.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bị hủy niêm yết do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán về một loạt vấn đề như hàng tồn kho, công nợ, tiền thuê và sử dụng đất, hoặc kiểm toán từ chối cho ý kiến về các báo cáo tài chính và nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục...

Theo quy định hiện hành, sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để duy trì thanh khoản cổ phiếu.

Thế nhưng dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông Nguyễn Duy Phương, chuyên viên phân tích của CTCK VCSC cho rằng cổ phiếu có thanh khoản hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng hồi phục của doanh nghiệp.

Một khi doanh nghiệp đã cạn về tài chính, khả năng hoạt động không hiệu quả thì đưa lên sàn UPCoM chẳng khác gì thêm “rác” vào sàn này. Bên cạnh đó, trên UPCoM, nghĩa vụ công bố thông tin giảm nhẹ đáng kể, nên các cổ đông bên ngoài, nhất là các cổ đông nhỏ lẻ, vốn đã khó khăn và thiệt thòi trong việc tiếp cận với thông tin về doanh nghiệp, nay sẽ càng khó khăn hơn.

Những cổ phiếu kém chất lượng bị đào thải là điều tất yếu nhưng ai là người chịu thiệt nhiều nhất khi cổ phiếu hủy niêm yết?

Đó vẫn là các cổ đông và nhà đầu tư đại chúng. Bởi vì hầu hết cổ phiếu trước khi hủy niêm yết đều rơi vào tình trạng thị giá tụt dốc không phanh, mức giá thường dưới giá niêm yết rất nhiều, thanh khoản èo uột, nhiều cổ phiếu có khối lượng giao dịch bằng 0.

Thậm chí có trường hợp quyết định hủy niêm yết chỉ là cách để một nhóm cổ đông lớn có cơ hội đạt được mục đích riêng. Khi không còn niêm yết, doanh nghiệp lơ là công bố thông tin, giá cổ phiếu và thanh khoản sụt giảm, các cổ đông nhỏ lẻ có thể buộc phải bán ra cổ phiếu và đó là lúc các cổ đông lớn thâu mua giá rẻ.

Không những vậy, có nhiều trường hợp các cổ phiếu trước thời điểm hủy niêm yết còn xảy ra hiện tượng tăng giá vì có những thông tin đồn đoán về việc có nhà đầu tư mới sẽ tái cấu trúc, được công ty lớn thâu tóm....và khiến cho nhà đầu tư lao vào gom cổ phiếu như con thiêu thân để rồi sau đó phải “ôm hận”.

Đây cũng có thể là chiêu trò cuối cùng của người tạo dựng cuộc chơi niêm yết trước khi doanh nghiệp hủy niêm yết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn