MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu PPC có sức chở 32 người do Cty CP công nghệ Việt Séc sản xuất không thể bàn giao cho khách hàng vì không đăng kiểm được. Ảnh: P.V

Hy vọng mới cho ngành đóng tàu PPC

ĐỖ VĂN LDO | 23/02/2018 09:26

Mới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Khóa XIV (Ủy ban KHCNMT) đã có báo cáo về việc đăng kiểm tàu thuyền sản xuất bằng công nghệ vật liệu PPC với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hạn chế sức chở đến 12 người

Như Báo Lao Động đã đăng tải, ngày 20.12.2016, Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành Thông tư 43/2016/TT-BGTVT Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu polypropylene copolymer (PPC) - QCVN 95:2016/BGTVT.

Với việc ban hành Thông tư 43, VN đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đóng tàu thuyền bằng vật liệu công nghệ mới PPC. Tuy nhiên, với quy định chỉ cho phép đóng tàu thuyền PPC “có sức chở đến 12 người”, Thông tư 43 đã khiến ngành đóng tàu PPC không phát triển được, DN đóng tàu PPC phải dừng sản xuất, công nhân mất việc làm. (Xem bài “Bộ GTVT lại ban hành “giấy phép con” gây khó cho doanh nghiệp” trên Báo Lao Động số ra ngày 29.3.2017).

Trước những kiến nghị của các DN ngành đóng tàu PPC, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có chỉ đạo Ủy ban KHCNMT chủ trì làm việc với các cơ quan liên quan. Ngày 12.2.2018, Ủy ban KHCNMT Quốc hội đã có Báo cáo số 696/UBKHCNMT14. Theo đánh giá của Ủy ban KHCNMT Quốc hội, vật liệu PPC có nhiều ưu điểm như: Có khối lượng riêng thấp, nhẹ, nổi trên mặt nước giúp tàu thuyền giảm tiêu hao nhiên liệu; chịu được axit, kiềm và nước biển vượt trội so với thép; không cần bảo trì vỏ tàu trong một thời gian dài…, tiết kiệm được nhiều kinh phí so với tàu vỏ thép, vỏ gỗ.

Bên cạnh những ưu điểm, vật liệu PPC cũng có một số nhược điểm như dễ cháy, có ứng suất chảy cho phép thấp… Tuy nhiên, các nhược điểm này đều có các biện pháp khắc phục như: Sử dụng lớp cách nhiệt; đối với các kết cấu chịu tải trọng lớn phải có biện pháp gia cường kết hợp với các vật liệu khác có độ bền cao hơn.

Về đăng kiểm phương tiện thủy sử dụng vật liệu công nghệ vật liệu PPC, tính đến nay, Cục Đăng kiểm VN, Bộ GTVT đã đăng kiểm cho 16 phương tiện chở người (sức chở 12 người trở xuống, không kể thuyền viên, 2 bến nổi và cấp hồ sơ đăng kiểm thử nghiệm cho 2 tàu khách có sức chở 32 người và 56 người.

Đề nghị sớm đánh giá, xây dựng lại quy chuẩn

Báo cáo 696 của Ủy ban KHCNMT Quốc hội đã đánh giá cao các doanh nghiệp đi tiên phong trong sản xuất tàu thuyền bằng vật liệu PPC. Ủy ban KHCNMT “đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về vốn, chính sách cho các DN này để có thể phát huy khả năng sáng tạo, ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới vào sản xuất tạo ra các sản phẩm tốt với giá thành hạ”.

Ủy ban KHCNMT Quốc hội “đề nghị Bộ KHCN tạo điều kiện để DN dễ tiếp cận với các quỹ về KHCN nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ với chất lượng sản phẩm an toàn, ứng dụng rộng rãi trong thực tiến”.

Đặc biệt, Ủy ban KHCNMT Quốc hội “đề nghị Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu đăng kiểm thử nghiệm các phương tiện thủy nội địa có nhiều kích cỡ và khả năng chở khách khác nhau so với quy định của QCVN 95:2016/BGTVT; tổ chức sớm đánh giá kết quả thử nghiệm để thu thập đầy đủ căn cứ khoa học, thực tiễn cần thiết cho việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ việc chế tạo các phương tiện thủy (PPC) có các kích cỡ khác nhau phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất của doanh nghiệp”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn