MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

IMF: Nền kinh tế thế giới đã sẵn sàng để phục hồi

Quý An (theo The New York Times) LDO | 31/01/2023 15:18
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế thế giới đã sẵn sàng phục hồi khi lạm phát giảm bớt.

Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay khi các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất để chế ngự lạm phát, nhưng tổ chức này cũng nhận định rằng, mức tăng trưởng sẽ ổn định hơn so với dự đoán trước đây và suy thoái kinh tế toàn cầu có thể sẽ tránh được.

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới 2023-2024, việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã tạo ra triển vọng lạc quan hơn cho nền kinh tế thế giới.

Dù vậy, Pierre-Olivier Gourinchas, kinh tế trưởng của IMF, cho biết: “Cuộc chiến chống lạm phát đang bắt đầu có kết quả, nhưng các ngân hàng trung ương phải tiếp tục nỗ lực. Chúng ta đang thấy nguy cơ suy thoái thấp hơn nhiều, trên toàn cầu hoặc thậm chí nếu chúng ta nghĩ về số quốc gia có thể bị suy thoái”.

Sản lượng toàn cầu được dự đoán sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2023, từ 3,4% vào năm ngoái, trước khi tăng trở lại 3,1% vào năm 2024. Lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống 6,6% trong năm nay từ 8,8% vào năm 2022 và sau đó giảm xuống 4,3% vào năm tới.

IMF cho biết nền kinh tế thế giới đã sẵn sàng phục hồi khi lạm phát giảm bớt. Ảnh: Xinhua

Sau giai đoạn đại dịch có xu hướng phức tạp cũng như xung đột ở Ukraina leo thang, IMF đã có các dự báo lạc quan hơn so với chính nhận định của tổ chức này hồi tháng 10.2022.

Kể từ khi Trung Quốc đột ngột đảo ngược chính sách chống dịch và bắt tay vào mở cửa trở lại, IMF cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ ít nghiêm trọng hơn so với lo ngại ban đầu. Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD đang mang lại thuận lợi cho các thị trường mới nổi.

Bất chấp triển vọng lạc quan hơn, báo cáo của IMF cũng cảnh báo rằng, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với những rủi ro đáng kể: “Tình trạng ở Trung Quốc có thể kìm hãm sự phục hồi, xung đột ở Ukraina có thể leo thang và chi phí tài chính toàn cầu thắt chặt hơn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nợ nần”.

Tăng trưởng ở các nước giàu dự kiến sẽ đặc biệt chậm trong năm nay, với 9/10 nền kinh tế lớn có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn so với năm 2022.

IMF dự báo tăng trưởng ở Mỹ sẽ giảm xuống 1,4% trong năm nay từ mức 2% vào năm 2022. Tại khu vực đồng euro, tăng trưởng dự kiến sẽ giảm từ 3,5% xuống 0,7%. Trung Quốc được dự đoán sẽ phục hồi với sản lượng tăng lên 5,2% vào năm 2023 từ mức 3% vào năm 2022.

Nga cũng đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, cho thấy những nỗ lực của các quốc gia phương Tây nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga dường như đang chững lại.

IMF dự đoán sản lượng của Nga sẽ tăng 0,3% trong năm nay và 2,1% trong năm 2024, bất chấp những dự báo trước đó về sự sụt giảm mạnh vào năm 2023 trong bối cảnh một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây được đưa ra.

Một kế hoạch phối hợp của Mỹ và châu Âu nhằm hạn chế giá xuất khẩu dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng được cho là sẽ không làm giảm đáng kể doanh thu năng lượng của nước này.

“Ở mức giá dầu trần hiện tại của nhóm G7, khối lượng xuất khẩu dầu thô của Nga dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể, với việc thương mại của Nga tiếp tục được chuyển hướng từ các nước bị trừng phạt sang các nước không bị trừng phạt” – báo cáo của IMF nêu.

Trong số những mối quan tâm cấp bách nhất của IMF là xu hướng ngày càng tăng đối với “sự phân mảnh”. Xung đột ở Ukraina và phản ứng toàn cầu đã chia rẽ các quốc gia thành các khối và gia tăng căng thẳng địa chính trị, đe dọa cản trở tăng trưởng kinh tế.

IMF nhận định: “Chi phí cho sự phân mảnh như vậy đặc biệt cao trong thời gian ngắn, vì việc thay thế các luồng xuyên biên giới bị gián đoạn cần có thời gian”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn