MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số siêu thị kinh doanh từ mùng 2 Tết. Ảnh: Kh.V

Ít siêu thị và chợ mở cửa bán hàng từ mùng 2 Tết

L.V LDO | 26/01/2020 16:21

Sáng muộn ngày mùng 2 Tết, một số chợ và trung tâm thương mại mở cửa bán hàng, tuy nhiên, số lượng siêu thị mở cửa kinh doanh không nhiều, sức tiêu thụ chậm.

Chợ lớn đóng cửa, nhiều nhóm "chợ cóc" tự phát

Trưa mùng 2 Tết, trên góc phố Trần Vỹ (Cầu Giấy, Hà Nội), một nhóm "chợ cóc" tự phát tuy nhỏ nhưng cũng có đủ các mặt hàng thực phẩm. Chỉ vào thùng cá trắm to, chị Hòa Khuyên (Thường Tín-Hà Nội), cho biết: Dù cá trắm loại trên 5kg chỉ có giá 140.000 đồng/kg, loại từ 3-4,8kg giá chỉ 120.000 đồng/kg, nhưng sức mua khá chậm". 

Tôi mở hàng từ 9 giờ sáng mùng 2 Tết, vừa để “lấy ngày”, vừa để có thêm thu nhập, nhưng sức mua năm nay khá yếu, chỉ bằng khoảng  50-60% năm ngoái"- chị Ngọc nói. Ảnh: Kh.V

Cùng ngồi bán hàng bên cạnh, chị Nguyễn Thị Ngọc cũng góp lời: "Vì là ngày Tết, khách về quê hoặc đi du lịch hết nên lượng hàng bán ra không được như ý. Tôi cũng dự đoán được tình hình nên lấy hàng với số lượng ít, nhưng không ngờ từ sáng đến giờ chỉ có khoảng 6-7 người mua".

Một  góc nhỏ “chợ cóc” tự phát trưa mùng 2 Tết. Ảnh: Kh.V

Theo khảo sát của PV, vì mới mùng 2 Tết nên nhiều chợ chưa mở trở lại, nhiều tiểu thương gom hàng bán bên hông chợ chính, hoặc bán hàng tại các góc phố nhiều người qua lại, hình thành các "chợ cóc" tự phát theo kiểu “họp nhanh, giải phóng nhanh”. Vì "họp tạm", nên các mặt hàng hóa không phong phú, giá tăng khoảng 20%-50% so với ngày thường, tùy mặt hàng.

Cụ thể, bún: 15.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg);  thịt lợn từ 150.000-200.000 đồng/kg (tăng từ 20.000-30.000 đồng/kg). Rau muống: 20.000 đồng/mớ to (tăng khoảng 10.000 đồng/mớ; rau diếp, rau thơm các loại giá tăng gấp đôi, khoảng 40.000 đồng/kg…

Chị Đỗ Thị Lan (55 tuổi, phường 2 Phú Đô, Hà Nội) cho hay, chị mở hàng sáng mùng 2 Tết vì thích ra ngoài giao lưu, dù lượng hàng bán ra không nhiều. Ảnh: Kh.V

Ít siêu thị mở cửa ngày mùng 2 Tết

Theo khảo sát của PV, trong ngày mùng 2 Tết, hầu như không có cửa hàng tiện ích, siêu thị mini nào mở cửa. Rải rác có 1 vài cửa hàng tạp hóa mở cửa để lấy ngày, hoặc kinh doanh theo kiểu “vừa bán vừa chơi”.

Không khí mua bán sáng mùng 2 Tết tại một hiệu tạp hóa trên phố Trần Vỹ (Hà Nội) . Ảnh: Kh.V

Ngày mùng 2 và  mùng 3 Tết, Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) có 3 điểm dịch vụ ăn uống của Công ty Thủy Tạ mở cửa phục vụ khách du lịch và người tiêu dùng tại khu vực phố cổ. "3 điểm dịch vụ này đã mở cửa kinh doanh từ ngày mùng 1 Tết. Hệ thống bán lẻ và dịch vụ của Hapro sẽ đồng loạt mở cửa bán hàng bình thường từ ngày mùng 4 Tết"-ông Nguyễn Tiến Vượng-Phó Tổng Giám đốc Hapro cho hay.

Siêu thị Big C Thăng Long mở cửa từ 10h sáng mùng 2 Tết. Có mặt tại siêu thị, ghi nhận cho thấy lượng khách không nhiều. Tại quầy rau quả, thực phẩm, chỉ khoảng vài chục khách lựa chọn các loại rau tươi, trái cây, hải sản, thịt bò, bánh mỳ…

Mẻ bánh mỳ đầu tiên ra lò trong sáng mùng 2 Tết. Ảnh: Kh.V

Trao đổi với PV, một số khách hàng tại các siêu thị cho biết, hầu hết người tiêu dùng không tích trữ thực phẩm trong nhà nhiều như trước đây, từ mùng 2 Tết là lượng thực phẩm Tết đã cạn, phải mua bổ sung.

Chị Việt Hà (trú tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: Từ nhiều năm nay, gia đình chị không có thói quen tích trữ thực phẩm dịp Tết. “Từ mùng 2 Tết, chợ đã có người bán, các Trung tâm thương mại đã mở cửa, tại sao phải tích trữ đồ ăn vừa lãng phí, vừa không ngon vì giảm độ tươi ngon?”-chị Việt Hà trả lời bằng cách nêu câu hỏi.

Chị Việt Hà đng chọn thực phẩm tại Big C Thăng Long. Ảnh: Kh.V

Chị Đỗ Thị Hoa (trú tại đường La Thành, Hà Nội) cũng cho biết: “Tôi đi Big C để mua thực phẩm từ sáng mùng 2 Tết, cũng là tự nhắc mình và  gia đình chị trở lại cuộc sống thường nhật, xóa bỏ không khí Tết trì trệ hoàn toàn chỉ có ăn và chơi”.

Chị Đỗ Thị Hoa chọn thực phẩm. Ảnh: Kh.V 

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Đặng Đăng Linh – phụ trách quầy rau quả (Big C Thăng Long) cho biết, lượng khách không đông như ngày thường, nhưng siêu thị vẫn mở cửa theo tiêu chí phục vụ khách hàng là chính.

“Giá các mặt hàng trong Tết và sau Tết vẫn không thay đổi so với bình thường bởi chúng tôi áp dụng chương trình “khóa giá” đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh”- chị Linh cho hay.

Các nhân viên thu ngân của Big C Thăng Long khá thoải mái vì lượng khách hàng không đông như ngày thường. Ảnh: Kh.V

Co.opmart mở cửa từ sáng mùng 2 Tết nhưng từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, hệ thống siêu thị này chỉ mở cửa từ 8h sáng đến 12h trưa. Từ ngày 30.1 (mùng 6 Tết), toàn bộ hệ thống siêu thị Co.opmart bán hàng bình thường.

Siêu thị Sài Gòn Satra cũng mở cửa bán trở lại từ mùng 2 Tết với thời gian hoạt động bình thường, từ 8h sáng đến 22h đêm.

Aeon Mall là siêu thị duy nhất không nghỉ Tết. Từ mùng 1 Tết, hệ thống thương mại Aeon Mall mở cửa đón khách từ 11h trưa và đóng cửa lúc 22h. Từ mùng 2 Tết đến mồng 5 Tết (tức từ 26-29.1.2020), khu vực siêu thị sẽ mở cửa lúc 8h sáng, còn khu vực tầng 1-2 mở lúc 9h sáng.

Toàn khu Aeon Mall sẽ đóng cửa vào 22h tối trong thời gian này. Từ mùng 6 Tết (30.1.2020) trở lại hoạt động lại bình thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn