MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Top tỉ phú thế giới vẫn là những cái tên quen thuộc gồm Jeff Bezos của Amazon, Bill Gates của Microsoft, nhà đầu tư Warren Buffet...

Jeff Bezos và 25 tỉ phú khác đang nắm tổng tài sản bằng nửa thế giới

Phan Anh (T/H) LDO | 25/01/2019 16:25

Theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ Oxfam, 26 tỉ phú giàu nhất thế giới đang nắm lượng tài sản tương đương tổng tài sản của 3,8 tỉ người nghèo nhất thế giới trong năm 2018.

Số liệu này được Oxfam (liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại trên 90 quốc gia để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công) công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra từ ngày 22 – 25.1 tại Davos (Thụy Sĩ) .

Theo đó, 2018 là một năm mà sự chênh lệch giàu nghèo trở nên rõ rệt hơn. Chỉ 1% số tiền nộp thuế của những người giàu (ước tính khoảng 420 tỉ USD/năm) có thể đủ để cung cấp hệ thống giáo dục cho trẻ em không được đến trường và cung cấp chăm sóc y tế ngăn ngừa 3 triệu ca tử vong mỗi năm.

Oxfam cũng cho biết, tài sản của hơn 2.200 tỉ phú trên toàn cầu đã tăng thêm 900 tỉ USD  trong năm 2018, tương đương với 2,5 tỉ USD mỗi ngày. Trong khi số tài sản của những người giàu nhất thế giới tăng 12% thì những người nghèo lại giảm 11%.

Theo Oxfam, chỉ 1% tài sản của tỷ phú Jeff Bezos tương đương tổng ngân sách dành cho y tế của Ethiopia, đất nước có 105 triệu dân.

Phần lớn số người siêu giàu này là người Mỹ, theo thống kê của Oxfam dựa trên số liệu của Forbes. Vẫn là những cái tên quen thuộc gồm Jeff Bezos của Amazon, Bill Gates của Microsoft, nhà đầu tư Warren Buffet và Mark Zuckerberg của Facebook với tổng tài sản 357 tỉ USD, theo Forbes.

Ông Matthew Spencer, Giám đốc chiến dịch và chính sách của Oxfam, cho biết: “Sự suy giảm số lượng người sống trong nghèo đói cùng cực là một trong những thành tựu lớn nhất trong 1/4 thế kỷ qua. Tuy nhiên, bất bình đẳng giàu nghèo gia tăng đang gây nguy hiểm cho sự tiến bộ của con người”.

Oxfam cũng cảnh báo thêm, nhiều Chính phủ thậm chí đang khiến sự bất bình đẳng xã hội trở nên tồi tệ hơn khi chi ngân sách không tương xứng cho các dịch vụ công.

Cụ thể, trong năm 2018 có khoảng 10.000 người chết vì thiếu các điều kiện chăm sóc y tế, 262 triệu trẻ em không được đến trường, chủ yếu là do bố mẹ của chúng không đủ tiền để chi trả học phí, đồng phục hoặc sách giáo khoa.

Các nền kinh tế đang hoạt động cho thấy sự giàu có ngày càng tăng lên nhưng lại chỉ tập trung vào một số người nhất định, trong khi hàng triệu người khác đang phải sống với mức sống tối thiểu.

Một thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ từ New York đã đề xuất đánh thuế người giàu lên tới 70% để gây quỹ chống biến đổi khí hậu. Một nhóm nhà lập pháp khác của Mỹ cũng đang thúc đẩy dự luật y tế cho tất cả để nâng số người Mỹ sở hữu bảo hiểm y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn