MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì diễn đàn Logistic năm 2017.

Kém kết nối “thổi” chi phí logistic, hạn chế cơ hội tăng trưởng

KH LDO | 15/12/2017 12:32
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam là 18% tính theo tỉ trọng GDP, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%.

Thực tế này đang hạn chế cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế cũng như kéo giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 tổ chức tại Hà Nội sáng 15.12, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới nhận định dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics nhưng thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016.

Đại diện WB nhận định trong 20 năm qua, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhờ đó trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhất trên thế giới, với tỷ trọng kim ngạch thương mại trên GDP đạt trên 170%, tăng trưởng xuất khẩu bình quân 15% trong 5 năm qua và nổi lên là một trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu và một trong những điểm đến hàng đầu với đầu tư FDI, thu hút khoảng 35 tỉ USD vốn đăng ký vào năm 2017.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chỉ thực hiện những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam bị hạn chế nghiêm trọng do sự yếu kém của hành lang kết nối giữa những trọng điểm tăng trưởng quan trọng với các cửa ngõ quốc tế lớn, chi phí vận tải cao, và chất lượng vận tải và logistics kém.

Còn ThS. Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics nghèo nàn và thiếu đồng bộ, hạn chế, doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động manh mún và thiếu tính chuyên nghiệp... Cộng đồng khoảng 1.300 doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ logistics chủ yếu là vừa và nhỏ.

Theo Viện Momura (Nhật Bản), các doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng ¼ nhu cầu thị trường trong nước. Trong khi, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt phải chịu chi phí logistics cao. Theo VCCI, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Để thay đổi, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đột phá cơ chế quản lý Nhà nước, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để đầu tư, mở rộng kết nối hạ tầng giao thông, kho bãi, trung tâm logistics và để giảm được chi phí logistics, còn cần phải giảm được các chi phí liên quan đến các thủ tục hải quan, chi phí vận tải trong nước và quốc tế; chi phí thuê kho bãi... này, trong đó có thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cả những chi phí không chính thức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn