MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trái phiếu bất động sản vẫn chưa thật sự ổn định khi thị trường còn nhiều khó khăn. Ảnh: Gia Miêu

Kênh trái phiếu vẫn cần thêm điểm tựa để phục hồi

Gia Miêu LDO | 01/01/2024 15:35

Trong năm 2024, áp lực trả nợ trái phiếu đối với nhóm ngành bất động sản không nhỏ và với bối cảnh hiện tại, các chủ đầu tư sẽ gặp khó trong việc tạo dòng tiền mới để có thể thực hiện các nghĩa vụ nợ.

Theo dữ liệu của FiinGroup, trong 11 tháng đầu năm 2023, hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đạt 78.470 tỉ đồng và hoạt động mua lại đạt 48.960 tỉ đồng. Nhóm bất động sản huy động có lãi suất coupon bình quân 11,92%/năm với kỳ hạn bình quân 3,65 năm trong 11 tháng đầu năm 2023.

Như vậy, sau nửa cuối năm 2022, hoạt động phát hành trái phiếu bị gián đoạn liên quan tới các vụ án hình sự về trái phiếu, cũng như quy định siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu, thị trường trái phiếu có dấu hiệu khả quan hơn trong năm 2023, đồng thời các doanh nghiệp chịu áp lực đáo hạn nợ trái phiếu có điều kiện được giãn nợ thêm 2 năm, giúp giảm áp lực đáo hạn nợ đối với doanh nghiệp bất động sản nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng.

Hiện tại, không ít nhà đầu tư nhận thấy cơ hội và tiến hành giải ngân vào trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất huy động giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm trở lại đây, thể hiện qua giá trị phát hành trái phiếu tháng sau cao hơn tháng trước.

Trong năm 2024, áp lực trả nợ trái phiếu đối với nhóm ngành bất động sản là không nhỏ và với bối cảnh hiện tại, các chủ đầu tư sẽ gặp khó trong việc tạo dòng tiền mới để có thể thực hiện các nghĩa vụ nợ.

Điều thị trường hiện nay quan ngại chủ yếu là nhóm tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản, hiện có tỉ lệ vi phạm nghĩa vụ nợ khá cao.

Những tác động đến nhà đầu tư và cả ảnh hưởng chéo của thị trường trái phiếu sang tín dụng ngân hàng sẽ phần lớn phụ thuộc vào triển vọng hồi phục khả năng trả nợ của ngành bất động sản.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Nghị định 08/2023 về trái phiếu của Chính phủ sẽ hết hiệu lực từ ngày 1.1.2024 và sẽ quay trở lại áp dụng Nghị định số 65/2022, nhưng thời gian qua, nhiều kiến nghị từ chuyên gia đã được gửi tới đề nghị rà soát lại Nghị định 08/2023 để xem xét một số quy định cần tiếp tục áp dụng theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho thị trường phát triển trong năm 2024.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital, mặc dù còn nhiều vấn đề cần giải quyết để khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng những can thiệp chính sách thời gian qua đã phát huy tác dụng nhất định trong xử lý vấn đề nợ xấu trái phiếu của doanh nghiệp cũng như “phá băng” kênh huy động vốn này.

Hoạt động tái cơ cấu nợ trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng yếu tố căn bản là các nút thắt hiện nay của ngành bất động sản cần được tháo gỡ sớm nhất có thể. Điều này lại phụ thuộc vào khả năng chấp nhận giảm giá bán, tháo gỡ rào cản pháp lý dự án và một chính sách tín dụng nới lỏng nhưng có kiểm soát của ngân hàng.

Để khôi phục và ổn định thị trường trái phiếu, cần tiếp tục duy trì cơ chế cho phép doanh nghiệp tái cơ cấu trái phiếu theo tinh thần của Nghị định 08 hiện nay. Tuy nhiên, các hoạt động này cần có sự giám sát nhất định nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy định hiện hành, đặc biệt là minh bạch thông tin cho trái chủ để họ tự ra quyết định trong sự chấp thuận về một phương án tái cơ cấu.

"Song song với biện pháp giám sát thì sự hỗ trợ và tháo gỡ các vấn đề pháp lý dự án nên được triển khai trên diện rộng sau khi đã được rà soát và đánh giá kỹ lưỡng", TS Nguyễn Duy Phương nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn