MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu là giải pháp cần thiết. Ảnh: L.D

Kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu: Cơ hội xử lý dứt điểm nợ xấu

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 28/05/2022 12:10

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa thống nhất với đề xuất của Chính phủ kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) đến hết ngày 31.12.2023 nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà Nghị quyết đã mang lại, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Nợ xấu chưa xử lý vẫn ở mức cao

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Nghị quyết số 42 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%.

Lũy kế từ 15.8.2017 đến 31.12.2021, các TCTD đã xử lý được 380.200 tỉ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15.8.2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Trong số 380.200 tỉ đồng nợ xấu đã được xử lý, có 148.000 tỉ đồng là do khách hàng tự trả (chiếm 38,93%), cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm từ 2012-2017 do khách hàng tự trả/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý. Đồng thời, kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của TCTD và VAMC đạt 77.200 tỉ đồng, chiếm 20,3%.

Tính trung bình, nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5.670 tỉ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3.250 tỉ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017).

Tuy nhiên, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong gần 5 năm dù đạt những kết quả tích cực nhưng nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 đến 31.12.2021 vẫn ở mức cao là 412,67 nghìn tỉ đồng.

Trường hợp Nghị quyết số 42 không được tiếp tục thực hiện, số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý (bao gồm số nợ xấu phát sinh mới) dự kiến có thể lên đến mức 430.000 tỉ đồng vào cuối năm 2022 và 443.000 tỉ đồng vào cuối năm 2023.

"Sau khi xử lý được khối lượng lớn nợ xấu trong năm 2018, 2019, tốc độ xử lý nợ xấu trong năm 2020 và năm 2021 có xu hướng chậm lại, trong đó xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng tự trả nợ giảm đáng kể do tác động của dịch bệnh COVID-19 đến tình hình tài chính của khách hàng" - Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Kéo dài Nghị quyết 42 là cơ hội

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng, thời gian qua, nhờ các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.

Các đơn vị cũng đã xử lý được khối lượng khá lớn nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh. 

Tuy vậy, theo ông Hùng, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn gặp phải nhiều khó khăn như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, thủ tục thay đổi đăng ký giao dịch bảo đảm khi mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nên cần thiết kéo dài thời gian thực hiện và hoàn thiện các quy định về xử lý nợ xấu.

Trong khi đó, theo dự báo của nhóm nghiên cứu BIDV, tình hình nợ xấu sẽ vẫn là một thách thức lớn trong năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng.

Việc gia hạn Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ giúp các tỉ lệ nợ xấu này vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý và các TCTD.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà (Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang) đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết 42 đã nâng cao nhận thức của khách hàng trong việc đi vay, trả nợ, có ý thức hợp tác hơn với tổ chức tín dụng trong việc trả nợ, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc thu hồi nợ.

Trong bối cảnh số nợ xấu cần xử lý theo Nghị quyết 42 vẫn còn tương đối cao, khách hàng, doanh nghiệp người dân vẫn gặp khó khăn do dịch COVID-19, cần có thời gian để phục hồi.

Nếu dừng lại việc áp dụng Nghị quyết 42 trong khi chưa luật hóa, sẽ làm mất đi công cụ cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu, tạo áp lực, thách thức lớn đối với tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước, tạo hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế vĩ mô. Do vậy, Đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm nên tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn