MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kéo dài thời gian giảm thuế VAT hơn 6 tháng không dễ dàng

Đức Mạnh LDO | 31/05/2023 19:45
Chuyên gia đánh giá, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu, cán cân thương mại xuất siêu, nên để việc giảm thuế VAT thẩm thấu ngay trong 6 tháng tới là hạn chế.

Ngày mai (1.6), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%. Thời điểm áp dụng từ lúc ban hành nghị quyết (dự kiến ngày 1.7.2023) đến hết 31.12.2023, tương đương 6 tháng.

Điểm giống nhau giữa quyết định giảm thuế VAT năm ngoái và đề xuất của năm nay là cùng giảm 2%. Nhưng điểm khác nhau là trong khi năm ngoái, giảm thuế VAT chỉ áp dụng cho một số hàng hóa, dịch vụ nhất định thì đề xuất của năm nay dành cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%. Điều này sẽ giúp tăng hiệu quả của chính sách, nhất là trong bối cảnh sức mua giảm sút hiện nay.

Nhóm phân tích từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR) cho biết: "Chúng ta có 13 triệu lao động chính thức, dù thu nhập nhích lên nhưng vẫn thấp so với mức tăng chi tiêu. Sức ép tiêu dùng, chi tiêu của người lao động là rất lớn. Do đó chính sách giảm 2% VAT rất cần kéo dài. Chính sách nên duy trì như năm ngoái (10 tháng) hoặc ít nhất 6 - 9 tháng mới đủ tác động tới doanh nghiệp".

Thuế VAT tất cả hàng hóa, dịch vụ từ 10% giảm xuống 8% sẽ giúp kéo mặt bằng giá hạ nhiệt. Ảnh: Hải Nguyễn 

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - cho rằng để chính sách phát huy sâu rộng hơn cần tính toán giảm thuế VAT xuống 8% kéo dài hơn 6 tháng. Tuy nhiên điều này không hề dễ bởi thời gian giảm thuế VAT thuộc thẩm quyền Quốc hội và phụ thuộc vào số năm tài khóa của chính sách tài khóa, thời hạn này kéo dài từ 1.1 - 31.12.

Hơn nữa, muốn giảm, miễn hay thay đổi về thuế phải có sự xem xét, cân đối giữa nguồn thu ngân sách Nhà nước với khả năng chi tiêu và cân đối vĩ mô chung của nền kinh tế.

"Ít nhất phải đợi đến khoảng tháng 10, 11 khi có bản kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước năm 2024 mới xem việc cân đối thu chi ngân sách nhà nước năm 2024 như nào. Từ đó mới có cơ sở xem xét có thể miễn giảm thuế ra sao" - ông Thịnh đánh giá.

Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu, cán cân thương mại xuất siêu nên để việc giảm thuế VAT thẩm thấu ngay vào xuất khẩu trong 6 tháng tới là hạn chế. Điều này tương tự với các doanh nghiệp. 

"Các mô hình lý thuyết đã chứng minh để việc giảm thuế VAT đạt hiệu quả cần phải triển khai dài hạn từ 1,5 - 2 năm. Tôi cho rằng đề xuất giảm thuế VAT kéo dài tới năm 2024 là xác đáng và có lý do, phù hợp với tình huống đang đối diện. Tuy nhiên cần đặt trong mục tiêu cụ thể và khả năng đánh đổi của nền kinh tế" - ông Nghĩa nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn