MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hãng cho rằng vé máy bay đang thấp. Ảnh: Hải Nguyễn

Kéo giá vé máy bay ngang với vé tàu, xe là không tưởng

Xuyên Đông LDO | 11/10/2023 16:17

Đó là chia sẻ của ông Vũ Đức Biên - Tổng giám đốc Vietravel Airlines. Cũng giống như đi du lịch ở khách sạn 5 sao hay khách sạn bình thường, nên có các mức phí khác nhau, phù hợp với túi tiền từng khách hàng, để doanh nghiệp có thể tồn tại được.

Trao đổi với Lao Động ngày 11.10, đại diện Vietravel Airlines cho rằng, qua gần 2 năm kiểm soát được dịch bệnh, ngành vận tải hàng không đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng các hãng hàng không vẫn chưa thể có lãi. Một trong những nguyên nhân là giá bán vé máy bay không đủ bù đắp chi phí.

Ngành vận tải hàng không đang có sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh, đặc biệt là vận tải hành khách. Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng sản lượng hành khách 9 tháng thông qua các cảng hàng không đạt 89 triệu lượt, tăng 20%. Trong đó, khách quốc tế đạt 23,7 triệu lượt, tăng 266,8%; khách nội địa 65,2 triệu lượt khác, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2022. Ngược lại, vận tải hàng hóa giảm 15,3% khi đạt 887.500 tấn.

Tại nội địa, 5 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Jetstar Pacific Airlines) đang khai thác 67 đường bay với trên 650 chuyến bay mỗi ngày. Ngoài việc tăng tần suất khai thác các đường bay hiện hữu, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới như Cần Thơ - Vân Đồn, Hà Nội - Cà Mau.

Đối với thị trường quốc tế, ngoài các thị trường truyền thống và một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến Ấn Độ và Úc.

Dù vậy, sau gần 2 năm, đa phần các hãng hàng không vẫn lỗ. Vietnam Airlines - hãng hàng không quốc gia - báo lỗ ròng hơn 1.300 tỉ đồng nửa đầu năm và cả năm 2023 có thể lỗ trước thuế 4.500 tỉ đồng. Ban lãnh đạo Bamboo Airways, Vietravel Airlines cho biết, nửa đầu năm còn lỗ. Riêng Vietjet Air lãi 135 tỉ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Vũ Đức Biên - Tổng giám đốc Vietravel Airlines - chia sẻ, mặc dù thị trường quốc tế mở cửa gần như hoàn toàn nhưng các hãng hàng không nội địa của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như giá nhiên liệu leo thang, tỷ giá liên tục thay đổi, điểm nghẽn hạ tầng, tín dụng và các xung đột địa chính trị.

Hạ tầng hàng không nói riêng của Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển nên tình trạng quá tải đang gây áp lực cho việc phục hồi và phát triển của ngành. Trong những đợt cao điểm như nghỉ lễ, Tết Nguyên đán, nhu cầu tăng cao nhưng hạ tầng tắc nghẽn khiến cho các hãng hàng không có khách nhưng không thể phục vụ hết công suất.

Các dự án giải quyết tắc nghẽn hạ tầng đã được khởi công như nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Long Thành…, nhưng cũng cần có thời gian để đi vào vận hành và khai thác.

Khác với các lĩnh vực khác, ngoài chi phí xăng dầu, các biến phí khác như kỹ thuật, dịch vụ điều hành bay đi, đến; hạ cất cánh tàu bay; phí đậu tàu bay (parking chargers); giá thuê quầy check in, mặt bằng, kho bãi,… tại các cảng hàng không sân bay chiếm khoảng 65 - 80%.

Phần định phí chiếm 20 - 35% và tùy theo mỗi hãng, vì vậy để tối ưu chi phí thì khả năng cắt giảm hoặc hiệu quả từ chi phí cũng không thay đổi được quá nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn