MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế. Ảnh: Trần Lưu

Kết nối đưa hàng hóa Việt ra thị trường quốc tế

PHƯƠNG NGÂN - KHÁNH LINH LDO | 19/10/2022 10:06

Sáng 18.10, tại hội nghị “Doanh nhân kiều bào đồng hành cùng doanh nghiệp thành phố - kết nối để vươn xa” do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức, đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã trao đổi kinh nghiệm, bài học trong huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiêu thụ sản phẩm thương hiệu Việt, tích cực tham gia giới thiệu hàng Việt Nam và phát triển kênh phân phối hàng hóa Việt ở nước sở tại và đồng thời tháo gỡ khó khăn về vốn và đầu ra cho sản phẩm.

Nhiều cản trở khi tiếp cận với thị trường ngoài nước

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyên chế biến các loại rau ăn lá thành bột sấy lạnh như: Bột rau má, bột rau diếp cá, bột rau tía tô,… và nhiều bột rau gia vị khác, bà Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt chia sẻ, công ty bà đã hoạt động từ năm 2016, khi bắt tay vào làm sản phẩm bột rau ăn lá gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất là về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ. Bởi, lĩnh vực nông nghiệp là một lĩnh vực đòi hỏi đầu tư dài, lợi nhuận thấp và chịu rất nhiều rủi ro không lường trước, như thiên tai, hạn mặn… nên việc tìm nhà đầu tư cũng khó khăn.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cũng chính là vấn đề nan giản của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo bà Hương, sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt ở thị trường Việt Nam 6 năm qua, nhưng những sản phẩm mang tên bột tía tô, bột rau má… đối với người Việt vẫn còn xa lạ, nên sang thị trường ngoài nước mức độ biết và chấp nhận cũng sẽ ít hơn.

“Năm 2019, các sản phẩm của công ty chúng tôi đã được xuất khẩu qua thị trường EU theo đường chính ngạch, phân phối qua những siêu thị Châu Á tại một số nước Châu Âu, còn đa số các thị trường tại các quốc gia khác thì vẫn qua đường tiểu ngạch.

Hiện nay, nguồn vốn để chúng tôi tiếp cận với những kênh xuất khẩu vẫn còn rất hạn chế vì lĩnh vực nông nghiệp đầu tư dài nhưng lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro nên chưa có nhiều nhà đầu tư mặn mà” - bà Hương chia sẻ.

Giải pháp đồng hành cùng phát triển doanh nghiệp trong và ngoài nước

Ông Trần Đức Hiển - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM - cho rằng, để kết nối các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển, vươn xa, trong đó tập trung vào hoạt động kết nối khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19, cần sự góp ý từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm ra giải pháp.

Qua đó, thực hiện thành công Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2024” theo Quyết định số 1797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12.12.2019.

Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài ông Lê Hoàng Thế cho hay, TPHCM và cả nước rất cần sự nối kết, cộng hưởng sức mạnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào để tạo dựng nội lực cho doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. 

Để thu hút đầu tư của doanh nghiệp kiều bào đồng hành hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp trong nước, cần có những giải pháp như: Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, thực sự làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” trong quá trình xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi, ban hành Luật Quốc tịch, Luật Đất đai… phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nói chung và kiều bào nói riêng, nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nhân, kiều bào đầu tư kinh doanh.

“Điều doanh nhân kiều bào luôn mong mỏi là các cơ quan chức năng các cấp quyết liệt đột phá về cải cách các thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh, đầu tư, kinh doanh, làm việc, mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư; chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn về giải quyết về thủ tục đầu tư” - ông Thế nhấn mạnh.

Ông Thế cho rằng, nên hình thành trung tâm (viện, văn phòng…) liên kết với hội luật sư các nước tư vấn, trọng tài pháp luật đầu tư cho các doanh nghiệp kiều bào khi ký kết, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp trong nước, hạn chế thấp nhất những tranh chấp thương mại trong hợp tác đầu tư. Việc kết nối và hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc từ thông tin chính thống sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư của kiều bào vào các dự án tốt và hiệu quả, đồng thời, tránh làm nản lòng bà con kiều bào do thiếu thông tin về pháp luật.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động diễn đàn, xúc tiến đầu tư hướng tới việc hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại hoặc tiếp nhận thông tin, hợp tác thực hiện dự án đã có...

Bên cạnh đó, thành phố có thể tiên phong cùng cả nước có chính sách thu hút các nguồn lực để xây dựng và tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu (bao gồm các chương trình kết nối trực tiếp và nền tảng kết nối online) nhằm quy tụ, tập hợp trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối các hoạt động về khoa học công nghệ (đào tạo, chia sẻ tri thức, chuyển giao công nghệ), các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại… Qua đó, tạo ra những giá trị cụ thể, đóng góp trực tiếp cho hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn