MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp vùng Tây Nguyên và Ấn Độ

Mai Hương LDO | 31/08/2023 10:26

Sáng ngày 31.8, chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp các tỉnh vùng Tây Nguyên của Việt Nam và doanh nghiệp Ấn Độ diễn ra tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Chương trình do Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng chủ trì. Đây là một trong ba hoạt động trong khuôn khổ tổ chức Hội nghị hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ.

Ấn Độ là một quốc gia có tiềm lực trên nhiều lĩnh vực và là thị trường rộng lớn với hơn một tỉ dân. Vùng Tây Nguyên của Việt Nam bao gồm 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông là vùng đất giàu tiềm năng, với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Đồng thời, vùng Tây Nguyên của Việt Nam cũng là thủ phủ của các loại cây công nghiệp như cà phê, trà, tơ lụa, hồ tiêu,…

Đó là cơ sở, là tiền đề quan trọng để phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn liền với ngành công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản. Từ đó, sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.

Chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp các tỉnh vùng Tây Nguyên của Việt Nam và doanh nghiệp Ấn Độ diễn ra tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Mai Hương

Tại tỉnh Lâm Đồng, đến nay, đã có nhiều sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể. Hầu hết các nhãn hiệu sản phẩm Lâm Đồng có thế mạnh đã được đăng ký và xác lập quyền sở hữu như: Trà B’Lao, Cà phê Di Linh, Cà phê Arabica Langbiang, Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt,...

Phát biểu tại chương trình, ông Dương Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong xu hướng hội nhập và phát triển của nền kinh tế thị trường, việc hợp tác phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội để phát huy lợi thế sẵn có của các doanh nghiệp là cần thiết và khách quan.

Các doanh nghiệp của vùng Tây Nguyên của Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế hội nhập đó và rất cần nhu cầu hợp tác kinh doanh để phát triển.

"Chính vì vậy, trong khuôn khổ tổ chức chương trình này, chúng tôi mong muốn mở ra cơ hội hợp tác thực sự với các đối tác Ấn Độ. Thông qua chương trình tương tác kinh doanh đầy ý nghĩa này, sẽ tạo ra một không gian tương tác kinh doanh mở giúp doanh nghiệp 2 bên giới thiệu thông tin về các sản phẩm dịch vụ và mong muốn hợp tác của mình.

Từ đó sẽ có hướng liên kết để cùng nhau phát triển trong thời gian tới, trên cơ sở mối quan hệ đối tác sâu rộng giữa hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ với tinh thần hợp tác và phát triển giữa các doanh nghiệp" - ông Dương Quốc Anh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn