MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gắn phát triển cảng cạn với cảng biển Vũng Áng là lối mở cho kinh tế Hà Tĩnh. Ảnh: Tuấn Trần

Kết nối hạ tầng, khai thông điểm nghẽn phát triển kinh tế

Nhóm phóng viên LDO | 07/09/2023 09:36

Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Đây được coi như một “nút mở” khai thông tiềm năng của nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh bắc miền Trung như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Trong cuộc trao đổi với Lao Động, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Thi nhận định: “Cảng biển Nghi Sơn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Thanh Hóa và vùng phụ cận”.

Trong những năm gần đây, Cảng Nghi Sơn đã thu hút được các hãng tàu và doanh nghiệp thực hiện XNK qua cảng với tỉ trọng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng hơn 41 triệu tấn/năm, chiếm khoảng trên 50% tổng lượng hàng qua nhóm cảng biển số 2 (bằng cả cảng biển Nghệ An và Hà Tĩnh). Tuy nhiên, ông Thi cũng thẳng thắn chỉ ra hoạt động khai thác Cảng biển Nghi Sơn vẫn chưa đạt kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có kết cấu hạ tầng cảng biển và hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho cảng biển phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa có trung tâm logistics lớn hoạt động... Khả năng thu hút được hàng container còn hạn chế...

Theo quy hoạch, cần sớm hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ kết nối đến cảng biển Nghi Sơn với Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và đường bộ cao tốc Bắc - Nam thông qua tỉnh lộ 513...

Giải bài toán cho Nghệ An và Cửa Lò

Còn tại Nghệ An, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045 ngày 18.7.2023 có nêu mục tiêu phát triển Nghệ An đến năm 2030 là “trung tâm của Bắc Trung Bộ về thương mại và logistis, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”.

“Thế nhưng, năng lực logistics hiện tại của Nghệ An chưa đáp ứng được yêu cầu”- anh Lê Lương Nguyên - chủ một doanh nghiệp lớn tại Nghệ An chuyên về xuất nhập khẩu thang máy - nói.

Theo anh Nguyên, nguyên nhân chủ yếu vẫn do nguồn vốn bố trí cho đầu tư hạ tầng giao thông hạn chế, quy mô nhỏ, chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời.

Kết quả khảo sát 184 nhà quản lý và 295 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An: Chỉ có 32% ý kiến từ phía nhà quản lý và 30% ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics đang thực hiện tốt chức năng.; 68% cho hay, chất lượng cung ứng dịch vụ cần cải thiện.

Thực tế Nghệ An có nhiều lợi thế khi ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây; có Cảng hàng không quốc tế Vinh, có bờ biển dài 82km với hệ thống cảng biển...

Theo các chuyên gia về logistic, Nghệ An cần sớm thúc đẩy hai việc. Thứ nhất là phát huy hiệu quả, tăng tính cạnh tranh của cảng Cửa Lò, thứ hai là tận dụng quy hoạch hệ thống cảng cạn vừa được Chính phủ thông qua.

Sức bật mới cho Hà Tĩnh

Hà Tĩnh được xem là điểm trung chuyển hàng hóa với Lào, Đông Bắc Thái Lan qua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Cha Lo bằng tuyến quốc lộ 8A và quốc lộ 12.

Đây là cửa ngõ ngắn nhất ra Biển Đông của Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế, giao lưu hàng hóa với các quốc gia trên thế giới.

So với khu vực thì cảng Vũng Áng - Sơn Dương có lợi thế độ sâu tự nhiên lớn, trung bình trên -10m. Cảng Vũng Áng kết nối với các tuyến giao thông hàng hải quốc tế đi các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Mỹ, châu Âu, châu Phi.

Đó là tiềm năng nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, để phát huy lợi thế của cảng biển, cần có kết nối với cảng cạn. Hiện nay tại tỉnh Hà Tĩnh chưa có cảng cạn nào được đầu tư, xây dựng.

Cạnh đó khoảng 3km là Cảng nước sâu Sơn Dương do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đầu tư, khai thác phục vụ cho việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và xuất khẩu thép của doanh nghiệp FDI này.

Tại Hà Tĩnh còn có Cảng Xuân Hải (huyện Nghi Xuân) là cảng sông (trên sông Lam) với 2 cầu tàu, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 3.000 tấn. Tuy nhiên, gần đây cảng này bị bồi lắng mạnh khiến tàu lớn khó ra, vào đã ảnh hưởng lớn đến lượng hàng hóa thông quan tại đây.

Theo phê duyệt của Chính phủ mới đây, Hà Tĩnh có hai cảng cạn là cảng cạn Cầu Treo, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và cảng cạn Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tạo nên hệ thống cảng cạn của Hành lang vận tải Quốc lộ 8.

* Ông Bùi Nhân Sâm - Bí thư huyện ủy Hương Sơn (Hà Tĩnh) - chia sẻ, với việc phê duyệt cảng cạn theo hành lang Quốc lộ 8 sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội của huyện Hương Sơn nói riêng và cho phía bắc tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Chúng tôi rất hy vọng khi đã có quy hoạch thì tỉnh sẽ sớm thu hút đầu tư xây dựng được cảng để phát triển có hiệu quả.

* Ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - khẳng định, với việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ là một lợi thế rất quan trọng với Hà Tĩnh để thúc đẩy phát triển thương mại, hàng hóa xuất nhập khẩu không những ở các tỉnh Bắc Trung Bộ mà còn với cả Lào và 10 tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Ông Hải khẳng định, sau khi đã có quy hoạch như vậy, tỉnh Hà Tĩnh sẽ chủ động đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn vào đầu tư.

* Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đẩy mạnh phát triển cảng cạn tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu hàng hoá

Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định công bố mở cảng cạn Phú Mỹ (giai đoạn 1) tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Thị xã Phú Mỹ). Cảng cạn Phú Mỹ có quy mô 37,8ha cầu cảng cho tàu 3.000 tấn/sà lan cập cảng làm hàng. Đây là cảng cạn thứ 2 hoạt động trên địa bàn tỉnh, sau cảng cạn đầu tiên là Cảng Tổng hợp dịch vụ Hưng Thái. Tỉnh cũng đang đầu tư cảng cạn thứ ba là cảng Phước Hòa (Khu công nghiệp Cái Mép). Phát biểu tại hội nghị thúc đẩy dòng chảy hàng hóa thông qua khu vực Cái Mép - Thị Vải vào tháng 5 vừa qua, bà Phạm Thị Bảo Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vina Logistics nhận định, dù tiềm năng rất lớn nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu còn hạn chế do thiếu cảng cạn, ICD Depot. Do đó khách hàng không được cấp rỗng mà phải lấy container từ TPHCM, nên thường sử dụng hệ sinh thái, logistics tại TPHCM cho thuận tiện.

Do vậy, để phát triển trong tương lai, Bà Rịa - Vũng Tàu cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung Cái Mép - Thị Vải, duy tu nạo vét luồng vào các cảng nội địa, cũng như tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính của hàng hóa trung chuyển qua cảng... Thành An

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn