MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kết quả kiểm toán 40 dự án BOT: Con số không sai nhưng có thể gây hiểu lầm

Khánh Hoà LDO | 24/05/2018 11:43

Ngày 21.5, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã công bố Báo cáo kết quả kiểm toán việc quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ GTVT trước Quốc hội trong đó nêu tên 40 dự án BOT được cho có vấn đề trong việc tính tổng mức đầu tư, thời gian thu phí. Tuy nhiên, bộ trưởng Bộ Tài chính cũng như đại diện bộ GTVT cho rằng việc công bố như trên có thể khiến dư luận có cái nhìn chưa đúng, chưa đủ về các dự án BOT.

So giá trị kiểm toán với tổng mức đầu tư dễ gây hiểu lầm là thất thoát

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình KT-XH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề cập đến thông tin Kiểm toán Nhà nước công bố là qua kiểm toán 40 dự án BOT trong năm 2017, cơ quan này kiến nghị giảm thời gian thu phí tới 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm tài chính hơn 1.460 tỷ đồng. 

Nhận định về công bố này, Bộ trưởng Dũng bày tỏ sự băn khoăn về nội dung này bởi nếu không cẩn thận, thông tin này sẽ tạo dư luận xã hội có cái nhìn không đúng về BOT trong bối cảnh cả nước đang triển khai thực hiện chủ trương thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nêu lại quy trình, Bộ trưởng Dũng khẳng định, phương án tài chính ban đầu với một dự án BOT chưa phải để thực hiện ngay mà phải kiểm toán, kiểm toán xong các cơ quan Nhà nước mới phê duyệt quyết toán công trình để đưa ra mức đầu tư thực tế và từ đó mới tính được số năm thu phí, mức thu phí từng năm. “Nếu quy trình ta làm đúng như thế, việc kiểm toán là bình thường và việc giảm số năm tính toán so với dự toán ban đầu là đúng. Từ kiểm toán như vậy mới ra số quyết toán và ra số năm, số phí phải thu trong cả giai đoạn cũng như từng năm”, Bộ trưởng Dũng phân tích.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP) cũng khẳng định trong các hợp đồng BOT ngay từ đầu theo quy định bộ GTVT mới tính được tổng mức đầu tư mà tổng mức đầu tư mới chỉ là giá trị ước tính mà theo quy định chỉ là phục vụ kế hoạch vốn nên hợp đồng có điều khoản quy định rất rõ giá trị để tính toán cuối cùng giữa nhà nước và nhà đầu tư là giá trị căn cứ vào quyết toán sau khi được thanh tra kiểm toán và để kiểm soát chi phí thực tế đó, Bộ GTVT kiểm soát theo 4 cấp, từ tổng mức đầu tư đến thiết kế kỹ thuật và dự toán rồi tới việc mời kiểm toán nhà nước vào kiểm toán các dự án và giá trị cuối cùng là giá trị quyết toán.

Theo ông Huy, trong quá trình đó, số liệu quyết toán cuối cùng bao giờ cũng thấp hơn hoặc bằng giá trị kiểm toán, nhiều dự án quyết toán thấp hơn giá trị mà KTNN đã chỉ ra.  

“Chúng tôi rất cám ơn KTNN đã hỗ trợ trong quá trình xác định giá trị quyết toán sao cho đúng, nhưng nếu lấy ngay giá trị kiểm toán đó mà so sánh với giá trị tổng mức đầu tư ban đầu thì rất dễ làm cho dư luận hiểu lầm là thất thoát là lãng phí trong khi tổng mức đầu tư không phải là giá trị cuối cùng và quả thật không thể thất thoát và lãng phí được vì đang thực hiện cả một quy trình để kiểm soát” ông Huy khẳng định. 

Liên quan tới thời gian thu phí, ông Huy cho biết trong trường hợp lưu lượng xe giảm xuống, có những dự án chúng ta kéo dài thời gian ra cho nhà đầu tư, cũng có dự án lưu lượng xe tăng chúng ta lại giảm thời gian hoàn vốn đi. “Quan trọng nhất chúng ta cần xem là giá trị quyết toán có đúng không và việc kiểm soát doanh thu hàng năm có chặt chẽ không. Tôi cho đấy mới là 2 vấn đề cơ bản” đại diện này chia sẻ. 

Cũng theo bộ GTVT, theo quy định là có kiểm toán độc lập kiểm toán dự án nhưng Bộ GTVT chưa tin cậy vào số liệu kiểm toán độc lập nên Bộ GTVT chủ động mời KTNN vào kiểm toán và có văn bản mời KTNN vào kiểm toán từ năm 2014 và hiện đã có 55 dự án được quyết toán và đến lúc quyết toán bộ khẳng định đã kiểm soát tới 90% thời gian giảm như KTNN nói.

KTNN đề xuất giảm giá trị đầu tư 1.467,3 tỉ đồng, giảm thời gian 120 năm

Theo báo cáo của KTNN, từ năm 2002 đến nay, Bộ đã thu hút các nhà đầu tư triển khai thực hiện 75 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư, gồm 68 dự án BOT, 4 dự án BT; 1 dự án BOO và 2 dự án vừa BOT và BT với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 230.000 tỉ đồng.

Trong đó, Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm cả thời gian thu phí và giảm tài chính đối với 40 dự án BOT mới được kiểm toán và nêu ra một số vấn đề như Bộ GTVT không gửi danh mục dự án đến các bộ, ngành và địa phương có liên quan để lấy ý kiến khi xây dựng và phê duyệt danh mục 66 dự án gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP, có 49/75 dự án được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng có 45/49 dự án không thuộc danh mục 66 dự án được phê duyệt.

56/75 dự án với chiều dài 2.535 km là nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường do ngân sách đầu tư từ trước. Chỉ có 19 dự án đầu tư mới với chiều dài 526 km. Ngoài ra, theo Kiểm toán nhà nước, Bộ GTVT còn bổ sung 15 hạng mục (ngoài nội dung, phạm vi đầu tư ban đầu) của 8 dự án trị giá 17.483 tỉ đồng khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính và UBND tỉnh.

74/75 dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, trong đó, Bộ đã tham mưu trình Thủ tướng chấp thuận chỉ định thầu 22 dự án ngoài quy định, lựa chọn một số Nhà đầu tư chưa đảm bảo năng lực như nhà đầu tư dự án quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, dự án quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ, dự án tuyến tránh thành phố Thanh Hóa.

Qua kiểm toán chi tiết 40 dự án cho thấy nhiều sai phạm khác, như đưa vào trong phương án tài chính một số nội dung chưa có quy định để tính thời gian hoàn vốn với các khoản tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng như 1 dự án tính chi phí trích lập quỹ dự phòng duy tu bảo dưỡng hơn 600 tỉ đồng, 5 dự án tính lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong quá trình thi công trên 1.400 tỉ đồng, 15 dự án không tính hoàn thuế giá trị gia tăng đối chi phí đầu tư xấp xỉ 1.700 tỉ đồng, 9 dự án tính chi phí bảo toàn vốn trong thời gian khai thác 940 tỉ đồng chưa phù hợp với ý kiến của Bộ Tài chính.

Theo KTNN, việc lập phương án tài chính cũng còn nhiều thiếu sót như khi điều chỉnh phương án tài chính tuyến Tây Thanh Hóa, đoạn Km0-Km6, các bên xác định mức tăng trưởng lưu lượng xe hàng năm trong giai đoạn 2011-2015 trung bình 3,7%, thấp hơn thực tế 15,3%, tỷ lệ lợi nhuận giữa các dự án và các nhà đầu tư còn chênh lệch lớn, dự án thấp nhất là 11%, dự án cao nhất là 13%.

Về vấn đề đặt trạm thu phí, Kiểm toán Nhà nước cũng kết luận, vị trí đặt một số trạm chưa phù hợp, 31/87 trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm là 70 km và 6 trạm thực hiện thu phí hoàn vốn trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 40 dự án là 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467,3 tỉ đồng. Năm 2016 trở về trước, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị giảm 107,4 năm của 27 dự án.

Box: Một chuyên gia trong ngành nhận định việc công bố con số ra mà không nêu rõ, nêu hết vấn đề ít nhiều đã khiến dư luận phản ứng, làm môi trường đầu tư của ngành hạ tầng bị giảm mức tín nhiệm nghiêm trọng, cả người dân lẫn giới đầu tư đều ít nhiều mất niềm tin. Theo chuyên gia này, theo quy định sau khi quyết toán thì công bố công khai và hàng năm các đơn vị liên quan đều phải có báo cáo về việc thực hiện kết luận của KTNN. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn