MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quyI/2020 cũng giảm tới 10,4%. Ảnh: CDKDN

Khắc phục ảnh hưởng của COVID-19: Đẩy nhanh hiệu quả trợ giúp doanh nghiệp

Văn Nguyễn LDO | 06/04/2020 07:45

Số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc phải tạm ngừng kinh doanh tăng vọt trong tháng 3.2020 dưới tác động của dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu cần đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, ứng cứu doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh.

Hàng vạn khách hàng được cơ cấu nợ

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về kết quả thực hiện hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cho thấy, tính từ ngày 23.1 đến ngày 28.3, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên cả nước bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỉ đồng. Đồng thời, các TCTD thực hiện và tiếp tục xem xét miễn giảm lãi vay cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỉ đồng.

Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân thông qua việc cơ cấu và giảm lãi với các khoản vay hiện hữu, các ngân hàng (NH) đến nay cũng cho vay mới đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỉ đồng.

Các khoản vay được giải ngân mới nằm trong các gói tín dụng và chương trình cho vay ưu đãi lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5-3% có quy mô khoảng 285.000 tỉ đồng được các NH tung ra từ cuối tháng 1.2020 đến nay. Một số NH như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB và SHB gần đây tiếp tục tung ra các gói cho vay quy mô từ vài nghìn tỉ đồng đến 30.000 tỉ đồng với lãi suất giảm đến 2-4,5%/năm nhằm tiếp tục hỗ trợ DN và người dân khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của COVID-19. Dù rằng, các biện pháp này có thể khiến doanh thu và lợi nhuận của các NH trong năm nay bị sụt giảm mạnh. Như tại Vietcombank và BIDV, việc kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất đến ngày 30.9 và triển khai cho vay mới với mức giảm lãi suất 2% có thể khiến các NH giảm thu nhập từ vài trăm tỉ đồng đến 3.000 tỉ đồng.

Cần tăng tốc độ trợ giúp

Tuy nhiên, số liệu mà Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của hàng vạn DN trên cả nước đang thực sự rất bi đát với số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng mạnh. Chỉ riêng trong tháng 3 có tổng số 6.553 DN rút lui khỏi thị trường, bao gồm các DN ngừng hoạt động kinh doanh và giải thể, tăng tới 55,5% so với cùng kỳ năm 2019. Thực tế này cho thấy, cần tăng nhanh, tăng mạnh hiệu quả của các biện pháp trợ giúp DN đang được các bộ, ngành triển khai hiện nay. Bởi tính chung 3 tháng đầu năm, có tới 34.889 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 2,0% so với cùng kỳ 2019), trong đó có tới 18.596 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 26,0%).

Theo đánh giá của Cục Đăng ký kinh doanh, tỉ lệ gia tăng 26% DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong quý I/2020 là mức tăng cao nhất được ghi nhận trong giai đoạn 2015-2019 và thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19. Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở hầu hết 15/17 lĩnh vực. Diễn biến DN rút mạnh khỏi thị trường thể hiện rõ xu hướng của DN hiện nay - đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa DN vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa DN.

Còn theo số liệu khảo sát của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, khoảng 35% số DN cho hay chỉ cầm cự được 3 tháng, 38% số DN chỉ cầm cự được 6 tháng, 13% số DN cầm cự được 1 năm và chỉ có 14% số DN có thể cầm cự được trên 1 năm. Với thực tế này, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam - kiến nghị cần xem xét các ngành nghề bị ảnh hưởng và cần hỗ trợ. Trên cơ sở đó, những ngành bị ảnh hưởng nặng cần được hỗ trợ khẩn cấp như miễn giảm, giãn nợ thuế đến cuối năm 2020, giảm lãi vay đến 5%, thậm chí bằng 0, giãn nợ vay NH, tạm dừng đóng các loại bảo hiểm đến cuối năm. Những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhẹ hơn có thể được giảm lãi vay NH từ 1-2%, cơ cấu lại thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu.

Cũng theo kiến nghị của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cần cụ thể hoá chính sách từ NHNN để có những giải pháp hạ lãi suất cơ bản, có cơ chế bù cho các NH hoặc nới tăng trưởng tín dụng để các NH kiếm nguồn bù lại khoản đã giảm cho DN. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần có những mệnh lệnh hành chính, quy định rõ ràng như có những ngành hàng nào không tính lãi hoặc chỉ tính lãi bao nhiêu %.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 có xu hướng chững lại, tỉ lệ gia tăng chỉ đạt 4,4% và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ giai đoạn từ 2015-2019 (tăng trung bình là 10,9%). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý I/2020 cũng chỉ đạt 11,8 tỉ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2019. N.V

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn