MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá sắt thép tăng khiến cho nhiều khách hàng kêu than. Ảnh Hương Ánh.

Khách hàng kêu than vì giá thép ngày một tăng

Hương Ánh - Anh Huy LDO | 29/04/2021 19:04

Không chỉ có giá thép vọt tăng giá 40%, nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, xi măng, gạch xây, gạch ốp... cũng đồng loạt tăng giá khiến khách hàng kêu than về sự tăng giá này.

Khách hàng kêu than

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng do các nhà sản xuất đưa ra đã nhiều lần thay đổi. Giá vật liệu tăng, nhiều chủ thầu và chủ đầu tư đã quyết định giãn, thậm chí tạm ngưng thi công để chờ giảm giá.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, giá thép trong các ngày qua đồng loạt tăng cao, đồng thời thiết lập mức giá mới. Cụ thể, theo chủ cửa hàng Vân Hưng (trên đường Đê La Thành, quận Đống Đa, HN) cho hay “Thép Việt Ý cuộn CB240 tăng 300 đồng lên 16.800 đồng/kg. Đối với thương hiệu thép Hòa Phát cuộn CB240 ghi nhận mức giá là 16.800 đồng/kg, cuộn D10 CB300 tăng lên 17.000 đồng/kg.”

Tương tự, thép thương hiệu Việt Đức, hai loại sản phẩm CB240 cũng tăng giá lần lượt là 16.800 đồng/kg đối với cuộn CB240 và 16.700 đồng/kg với cuộn D10 CB300.

Vật liệu tăng giá, ngành xây dựng gặp khó. Ảnh: Hương Ánh.

Với thương hiệu thép của Công ty thép Thái Nguyên, hiện cuộn CB240 đang có mức giá là 17.510 đồng/kg, còn với cuộn D10 CB300 có giá là 16.950 đồng/kg. So với mặt bằng chung các thương hiệu thép, thép Thái Nguyên được đánh giá là dòng thép cuộn có mức giá tăng cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Hầu hết các cửa hàng vật liệu xây dựng đều đã sửa lại giá bán lẻ lên để phù hợp hơn. Tuy nhiên theo ghi nhận, khách mua tại các cửa hàng đều kêu than vì giá bán ngày một tăng của các thương hiệu thép.

Còn một cửa hàng vật liệu xây dựng ở đường Giảng Võ cho biết “nhiều chủ thầu đến tìm hiểu giá bán tại cửa hàng rồi lại ngán ngẩm ra về vì giá thép ngày càng tăng cao. Một số nơi còn dư hàng trước đó thì sẽ có giá bán cũ, chứ cửa hàng chúng tôi nhập hàng mới về sẽ phải có giá cao hơn".

Không chỉ sắt thép mà trên thị trường, các loại vật liệu khác như: cát, sỏi, xi măng cũng đồng loạt tăng. Cát xây dựng ngày càng khan hiếm, việc khai thác gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp muốn mua số lượng lớn hay ít đều phải đặt hàng trước, có khi phải đặt trước cả tháng.

Nhà thầu xây dựng không biết giá cả dễ lỗ nặng

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trong ngắn hạn, tình hình giá vật liệu xây dựng vẫn còn rất căng thẳng. Có thể phải đến tới giữa năm, thậm chí cuối năm, giá các loại nguyên vật liệu phục vụ xây dựng và trang trí nội thất mới có thể giảm xuống và duy trì ổn định.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang khó lường nên không có gì chắc chắn. Do vậy, cả các doanh nghiệp bán buôn vật liệu xây dựng lẫn các chủ thầu, nhà đầu tư vẫn phải tự tìm các giải pháp để khắc phục.

Vật liệu xây dựng tăng giá khiến các công trình, trong đó có dự án nhà ở của người dân, bị ảnh hưởng. Ảnh: Hương Ánh.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng mặt hàng sắt thép chiếm khoảng 20% tỷ trọng xây dựng lại tăng giá đến 40% khiến cả thị trường vật liệu xây dựng nói chung bị ảnh hưởng lớn.

Tuy nhiên, theo ông Long, nhu cầu xây dựng đặc biệt tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công đang tiến triển tốt, đẩy giá vật liệu xây dựng tăng theo. Ở đây, chính các nhà thầu phải có hiểu biết giá cả thế giới và có dự báo dài hạn hơn để bỏ thầu. Các dự án nhận thầu trọn gói nếu không thương thảo được, chắc chắn lỗ nặng, nếu không nói là phá sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn