MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khách tăng, dầu giảm giá, chủ xe khách vẫn chưa thể vui

Chân Phúc LDO | 19/07/2022 14:56

TPHCM - Từ ngày 11.7, giá dầu quay đầu giảm hơn 3.000 đồng/lít, phần nào giảm bớt được gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, so với thời điểm cuối năm ngoái, giá dầu vẫn còn cao hơn 9.000 đồng/lít, khiến nhiều doanh nghiệp vận tải thường xuyên chịu cảnh kinh doanh không có lãi hay bù lỗ. 

"Giá dầu từ chỗ 16.000 - 17.000 đồng/lít, tăng lên gần xấp xỉ 30.000 đồng/lít, vừa rồi chỉ giảm 3.000 đồng, tức vẫn ở mức hơn 26.000/lít. Vậy giá dầu đã thực sự giảm?", anh Đào Mạnh Trường - chủ xe khách liên tỉnh tuyến TPHCM - Hà Nội mở đầu câu chuyện với chúng tôi. 

Theo anh Trường, hiện mỗi chuyến xe, chi phí anh bỏ ra là khoảng 60 triệu đồng, trong đó tiền dầu chiếm 50% (khoảng 30-31 triệu đồng), số tiền còn lại là tiền bến bãi, cầu đường, ăn uống...

Anh Đào Mạnh Trường mong muốn, giá dầu trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm, quay về mức giá ở thời điểm khoảng 1 năm trước. Ảnh: Chân Phúc

Anh Trường cho biết, với số tiền bỏ ra vậy, ở thời điểm hiện tại, phần lớn những chuyến xe của anh chưa có lãi. "Những hôm nào khách nhiều, hàng nhiều thì may ra mới có một ít. Nhưng hôm nào khách ít, hàng ít, nếu không may xe hư hỏng dọc đường thì chỉ có lỗ" - anh Trường tâm sự.

Anh Trường chia sẻ thêm, doanh nghiệp của anh từ chỗ duy trì 8 chiếc xe chạy tuyến Hà Nội - TPHCM thì sau đợt dịch đã cắt giảm đi 4 chiếc. Trước tình hình xăng dầu nếu vẫn neo ở mức cao thế này, anh Trường cho hay sẽ cất nhắc chuyện tiếp tục giảm số xe hoạt động xuống hay hạn chế số chuyến hoạt động trong tháng lại.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Hà - tài xế xe khách tuyến Tây Nguyên-TPHCM - cho biết, đang vừa mừng, vừa vui. 

Mừng vì số lượng khách đi xe đã tăng trở lại, không còn cảnh lèo tèo 5-7 khách trên xe như thời điểm trước, nhưng buồn vì giá dầu vẫn đang quá cao.

"Giá dầu gần như tăng 100% so với thời điểm 1 năm trước, nay chỉ giảm được có 3.000 đồng tương đương khoảng 30%. Trong khi giá vé chỉ được phép tăng nhẹ. Do đó, doanh thu từ những chuyến xe vẫn chỉ ở mức cầm chừng", anh Hà nói.

Lượng khách đến bến xe đã tăng lên so với thời điểm trước, song việc giá xăng dầu vẫn ở mức cao khiến nhiều chủ xe không khỏi lo lắng. Ảnh: Chân Phúc

Trong khi đó, ông Trần Hữu Phạm Tân - đại diện đơn vị vận tải tuyến Huế - TPHCM - cho biết, từ chỗ phải chi từ khoảng 25-26 triệu đồng tiền dầu, phí cầu đường, lương của tài xế, phụ xe, nhân viên ở 2 đầu bến, thì nay do giá dầu giảm, chi phí trên cũng giảm về khoảng 23 triệu đồng.

Bên cạnh đó, do đang trong mùa cao điểm du lịch hè, lượng khách tăng lên nên nhà xe ông bắt đầu có lãi nhưng chỉ ở mức thấp. 

“Trong khoảng 3 tuần nay, lượng khách tăng khá cao, mỗi ngày nhà xe khai thác được 2 chuyến/ngày, chuyến nào cũng đầy khách nên lãi từ đó mà có", ông Tân tâm sự.

Ông Tân cho rằng, nguyên nhân dẫn tới lượng khách tăng là do hiện thời điểm này, giá vé máy bay đang quá cao, nên nhiều người lựa chọn di chuyển bằng xe khách. Ông Tân lo ngại, có thể đến thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9, giá vé máy bay hạ xuống, khi đó lượng khách có thể giảm đi. Nếu giá dầu không tiếp tục giảm thì kinh doanh thời điểm đó có thể lỗ.

Theo ông Bùi Văn Quảng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vận tải hàng hóa TPHCM, việc giá xăng, dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít, sau hơn chục lần điều chỉnh tăng giá từ đầu năm đến nay là chưa “ăn thua” và chưa thể “trút bỏ” gánh nặng chi phí mà các doanh nghiệp vận tải đang chịu phải.

Ông Quảng cho biết, giá xăng dầu tác động khoảng 17% giá thành vận chuyển, trong khi doanh nghiệp vận tải chỉ được điều chỉnh 5 - 10% giá cước mỗi khi giá xăng dầu tăng. Do đó, giá cước vẫn còn khoảng 5% trong biên độ chưa điều chỉnh. Với giá xăng, dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít, nếu cơ cấu vào giá thành vận tải thì doanh nghiệp chỉ mới giảm được khoảng 200.000 đồng chi phí cho 100km đường. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn đang phải hoạt động cầm chừng và có thể chịu lỗ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn