MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
1.000 gian hàng chủ yếu sử dụng vật liệu gỗ, được lắp đặt trong một không gian rộng lớn, nhiều màu sắc. Ảnh: Xuân Nhàn.

Khai mạc hội chợ quốc tế đồ gỗ ngoài trời 2024

Xuân Nhàn LDO | 09/03/2024 16:56

Sáng 9.3, tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), Công ty Cổ phần Hội chợ ngành gỗ Việt Nam đã khai mạc Hội chợ quốc tế Hàng phong cách ngoài trời 2024 (Q-Fair 2024).

Q-Fair 2024 có quy mô 1.000 gian hàng với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Đài Loan, Malaysia, Việt Nam cùng đông đảo khách tham quan trong nước, quốc tế.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, hội chợ được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng tìm kiếm, thiết lập quan hệ hợp tác sâu rộng, lâu dài với các đối tác phù hợp hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; cập nhật công nghệ máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến, tự động hoá; phục vụ mục tiêu phục hồi lĩnh vực xuất khẩu gỗ, hướng tới tầm nhìn 20 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 như nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.

Hội chợ là cơ hội gặp gỡ, giao lưu tìm kiếm đối tác, khách hàng quốc tế. Ảnh: Xuân Nhàn.

Đây là hội chợ hàng gỗ ngoài trời lớn nhất nước thời điểm hiện nay. Đơn vị tổ chức đã “trưng dụng” toàn bộ không gian rộng lớn của quảng trường Nguyễn Tất Thành và một phần bãi biển Quy Nhơn cho nhu cầu trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Ông Lập cho hay Q-Fair sẽ thành sự kiện thường niên, với quy mô 1.500 gian hàng năm 2025 và còn tiếp tục mở rộng trong tương lai, góp phần xây dựng Bình Định thành điểm đến tầm cỡ thế giới về thương hiệu đỗ gỗ.

Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Quốc Trị đánh giá: Cùng Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất- HawaExpo 2024- tại thành phố Hồ Chí Minh (từ 6 – 9.3), Q-Fair 2024 là nỗ lực cần thiết giúp “lấy lại đà tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu lâm sản năm 2023 sụt giảm chưa từng thấy, chỉ đạt 14,47 tỉ USD, giảm 15,4% so với năm 2022”.

Đại biểu tham quan các gian hàng. Ảnh: Xuân Nhàn.

Ông Nguyễn Quốc Trị bày tỏ: “Tôi tin tưởng hội chợ sẽ là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả; kết nối nhiều mối quan hệ giao lưu, hợp tác; giúp đưa hình ảnh gỗ, sản phẩm gỗ Việt Nam đến khách hàng trên toàn thế giới. Bộ NN – PTNT, với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, cam kết luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội”.

Bình Định hiện có 300 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó 245 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Chế biến gỗ là lĩnh vực sử dụng nhiều nhân lực, đa số là công nhân tay nghề bậc cao. Với sản phẩm chủ yếu là đồ nội thất, ngoại thất, sân vườn, dăm mảnh, viên nén… năm 2023, các mặt hàng xuất khẩu từ gỗ, lâm sản mang lại kim ngạch xấp xỉ 1 tỉ USD.

Máy móc, thiết bị chế biến đồ gỗ trưng bày tại hội chợ. Ảnh: Xuân Nhàn.

“Để nâng cao năng lực chế biến gỗ, Bình Định đã tích cực vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng công nghệ chế biến, quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO, thực hiện quy trình quản lý Chuỗi hành trình FSC-CoC… đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt, chất lượng đồng bộ, thời gian giao hàng nhanh, kiểu dáng mẫu mã đa dạng, phong phú. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định đã phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng, liên kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham dự hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, góp phần tăng cường, phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng” ông Tuấn nói và kêu gọi các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào Bình Định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn