MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đang là xu hướng. Ảnh: Đức Mạnh

Khai thác mỏ vàng kinh doanh online

Phương Anh LDO | 25/11/2023 12:12

Với khoảng 57 triệu người mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử đang là thị trường được nhiều người nhắm đến. Làn sóng khởi nghiệp càng rõ nét khi hàng triệu cá nhân kinh doanh online, trong đó phần lớn không hề có cửa hàng offline.

"Mỏ vàng" nhưng phải biết cách khai thác

Chị Đặng Thùy Minh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã bén duyên với công việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) được hơn 5 năm. Từ sự nỗ lực, cố gắng cùng với việc học hỏi từ người thân, tìm hiểu qua các video trên YouTube, hiện tại thu nhập của chị gần 40 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, sàn TMĐT không phải "mỏ vàng" với tất cả mọi người. Gia đình anh Nguyễn Hoàng Nam (Gia Lâm, Hà Nội) kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm hơn 10 năm nay. Nhờ lượng khách hàng ổn định từ kinh doanh truyền thống, hai cơ sở nhà anh thu về khoảng 100 triệu đồng/tháng. Đứng trước xu thế kinh doanh online, anh Nam cũng không đứng ngoài cuộc, mở các gian hàng online trên sàn thương mại điện tử.

"Bố mẹ tôi gần như đều không biết về công nghệ số. Tôi chỉ hiểu sơ sơ, theo phong trào nên đã lập tài khoản trên một sàn TMĐT để đăng bán các sản phẩm của gia đình. Tôi đã nhờ bạn bè ủng hộ để tài khoản có thêm lượt mua và đánh giá. Tuy nhiên những lượt khách bên ngoài chưa nhiều" - anh Nam thở dài chia sẻ.

Nhìn nhận lại, anh Nam cho rằng, những sản phẩm mà mình cập nhật trên sàn thương mại điện tử gần như đã có từ trước và rất phổ biến trên thị trường.

"Tôi nghĩ đây là một thị trường béo bở nhưng có lẽ phải học thêm rất nhiều về kỹ năng truyền thông, cách giới thiệu sản phẩm mới có thể phát triển được" - anh Nam nói thêm.

Nghiên cứu thị trường đóng vai trò cốt lõi

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho rằng, việc nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, tìm hiểu nhu cầu thiết yếu của người dân là rất quan trọng trong kinh doanh trên sàn TMĐT.

Trên cơ sở đó sẽ thiết kế những sản phẩm từ bao bì, nhãn mác cho đến cách thức đóng gói hàng hóa phù hợp với nền tảng cũng như nhu cầu của người mua.

Bên cạnh đó cũng cần đưa ra giá cả có tính cạnh tranh và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm tốt hơn trong thời gian tới.

"Chúng tôi đã phối với Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng như các trường đại học để đào tạo sinh viên. Cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp để làm sao bán được hàng. Trên cơ sở đó, có những sinh viên đã bán được hàng và đây là hướng đi thiết thực" - ông Thành cho hay.

Chia sẻ thêm về chiến lược xây dựng thương hiệu, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nielsen Miền Bắc - nói: "Các doanh nghiệp cần có chiến lược và nhận diện thương hiệu, kết hợp với marketing hiệu quả. Từ đó giúp thị phần, doanh số, lợi nhuận và lòng trung thành của khách hàng tăng cao".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn