MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khai thác tiềm năng du lịch Cần Giờ, hoàn thành giấc mơ tiến ra biển

Thanh Thanh LDO | 08/06/2023 19:27

TP Hồ Chí Minh - Với những lợi thế về đa dạng sinh học và văn hóa đặc sắc, tiềm năng khai thác du lịch Cần Giờ rất lớn từ du lịch sinh thái sông, biển đến nghỉ dưỡng.

Định hướng mô hình du lịch xanh, nghỉ dưỡng

Mới đây, trong kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2023, UBND TP muốn phát triển Cần Giờ thành khu du lịch trọng điểm theo mô hình du lịch xanh, nghỉ dưỡng.

Cần Giờ là huyện ngoại thành tiếp giáp biển của TP Hồ Chí Minh với lợi thế bờ biển dài 23km, hơn 22.000 ha diện tích sông ngòi. Với những lợi thế này, tiềm năng khai thác du lịch tại đây rất lớn từ du lịch sinh thái sông, biển đến nghỉ dưỡng.

Cần Giờ sẽ phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Minh Quân

Hơn nữa, trên địa bàn huyện còn có Khu di tích lịch sử cấp quốc gia căn cứ Rừng Sác; Di Chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ; Lễ hội Nghinh ông Cần Giờ - di sản phi vật thể quốc gia; các làng nghề truyền thống như nghề muối, các mô hình nuôi trồng thủy hải sản,... cũng là những điểm dừng chân lí thú cho khách du lịch.

Thực tế cho thấy, huyện Cần Giờ cũng địa điểm được nhiều gia đình, nhóm bạn trẻ ở thành phố lựa chọn vui chơi, giải trí vào cuối tuần và dịp lễ, Tết.

Theo các doanh nghiệp du lịch lữ hành ở TP, các tour Cần Giờ luôn được các đơn vị đẩy mạnh khai thác. Cụ thể, tại Công ty BenThanh Tourist, chèo sup xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ là một trong những tour được nhiều du khách lựa chọn. Các chương trình tour du lịch được làm mới, bổ sung thêm nhiều điểm đến và trải nghiệm mới lạ thu hút đông đảo du khách.

Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ rộng 2.870 ha sẽ được xây dựng tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh. Ảnh: UBND huyện Cần Giờ

Để đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch của Cần Giờ và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, TP cũng đang triển khai các định hướng xây dựng và phát triển nhưng vẫn giữ được những lợi thế về tự nhiên và văn hóa ở đây.

Trong đó, dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ rộng 2.870 ha với tổng mức đầu tư 217.000 tỉ đồng và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hơn 5,4 tỉ USD được kì vọng là đòn bẩy, đánh thức tiềm năng Cần Giờ, giúp thành phố hoàn thành giấc mơ tiến ra biển sau nhiều năm ấp ủ.

Phát triển hoạt động du lịch ở huyện

Theo UBND huyện Cần Giờ, hoạt động du lịch ở huyện Cần Giờ có chiều hướng phát triển tốt. Sở Du lịch TPHCM phối hợp tổ chức khảo sát xây dựng các điểm du lịch cộng đồng ở các xã và tuyến du lịch đường sông từ bến Bạch Đằng - Cần Giờ. Từ đó, xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đường sông TP bằng tàu du lịch có lưu trú.

Du khách chèo sup tại rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: BenThanh Tourist

Bên cạnh đó, khu chợ đêm tại thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa đã hoàn chỉnh phương án. Đồng thời, phát triển 1 điểm du lịch tại xã Thạnh An với mô hình giải trí ẩm thực và bãi tắm cộng đồng kết hợp luyện tập bơi lội cứu hộ cứu nạn.

Các doanh nghiệp lữ hành kết nối phát triển tour du lịch đưa du khách đến điểm tham quan cánh đồng muối, núi Giồng Chùa ấp Thiềng Liềng,... Trung bình có 2 đoàn khách/tuần.

Toàn huyện có 7 điểm đến được du khách thường xuyên tham quan. Huyện cũng đang phối hợp Sở Du lịch TP thẩm định hồ sơ công nhận điểm đến du lịch Khu du lịch sinh thái Én Việt xã Tam Thôn Hiệp.

Với những nỗ lực tìm hướng khai thác tối đa tiềm năng, du lịch Cần Giờ được kì vọng sẽ là điểm sáng của ngành du lịch thành phố trong tương lai.

Năm 2022, huyện Cần Giờ đã khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn. Ước lượng khách du lịch đến huyện trong năm đạt 3.020.000 lượt, tăng gấp 2 lần (tăng 1.540.000 lượt khách) so với năm trước và vượt 0,6% kế hoạch. Doanh thu du lịch ước đạt 2.114 tỉ đồng, tăng 2,2 lần so với năm trước và tăng 49,6% so với năm 2019.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn