MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ để vượt qua đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Vũ Long

Khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua “cú sốc” COVID-19

Vũ Long LDO | 02/09/2021 17:33

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, cần được hỗ trợ sớm.

Tiếp sức để doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng sức chống chịu

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, từ tháng 4.2021, làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam và lan rộng, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện các đợt giãn cách liên tiếp khiến sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp đã có sự suy giảm rõ rệt.

“Thống kê cho thấy, trong tháng 8.2021, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 68.000 tỉ đồng và số lao động đăng ký 43,4 nghìn người, giảm 34,1% về số doanh nghiệp, giảm 44,6% về vốn đăng ký và giảm 39,1% về số lao động so với tháng 7.2021” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng “Nhà nước đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm tháo gỡ, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền, phải chủ động báo cáo cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý; tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc trong sản xuất, kinh doanh với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với khu vực doanh nghiệp”.

Hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách miễn thuế, giãn nợ

Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh COVID-19 căng thẳng, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn: Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất; chi phí sản xuất tăng cao do thực hiện phòng chống dịch:  Xét nghiệm 3 ngày 1 lần, lo ăn ở cho người lao động khi thực hiện “3 tại chỗ” tại nhà máy… khiến nhiều doanh nghiệp hoàn toàn không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Để vượt qua đại dịch, các doanh nghiệp đã đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo và định hướng các cơ quan ban ngành khẩn cấp ban hành quyết sách cứu doanh nghiệp, trong đó đối với chính sách thuế và chi phí, các doanh nghiệp xin miễn thuế VAT trong năm 2021; giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022-2023; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế doanh nghiệp 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch; được chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra: Xét nghiệm, chi phí chống dịch và “3 tại chỗ”.

Đối với chính sách tài chính, ngân hàng, các doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 từ ngày 1.8.2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch.

Cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài. Khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1.8.2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn