MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một con lợn nái bị dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy. Ảnh: Khánh Vũ

"Khan" nguồn cung thịt lợn, lại thêm 47 xã bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Khánh Vũ LDO | 06/05/2020 10:40

Tính đến ngày 6.5.2020, bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh thêm tại 47 xã, có 25 xã mới có dịch và 22 xã tái phát dịch. Dịch bệnh này có nguy cơ ảnh hưởng đến việc tái đàn lợn, làm giảm nguồn cung thịt lợn. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tính sơ bộ đến ngày 6.5.2020, tổng số lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi (ASF) là 27.662 con. Trong đó, tháng 1.2020: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh thêm tại 22 xã mới, số lợn phải tiêu hủy là 12.037 con. Tháng 2.2020, dịch bệnh  này phát sinh thêm tại 2 xã mới, số lợn tiêu hủy là 7.435 con. Tháng 3.2020, mặc dù không phát sinh dịch bệnh tại các xã mới, nhưng số lợn tiêu hủy vẫn lên tới 6.930 con. Tháng 4.2020, bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát tại 12 xã, số lợn tiêu hủy là 1.182 con.

Điều đáng lưu ý là ngày 4.5.2020, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã tái phát tại 10 xã thuộc 7 huyện của 5 tỉnh gồm: Cao Bằng (3 xã), Lạng Sơn (1 xã), Bắc Kạn (2 xã), Tuyên Quang (1 xã), và Hà Tĩnh (2 xã) và 01 ổ dịch mới phát sinh thêm tại xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 78 con.

Đến nay, lũy kế cả nước có 94 xã thuộc 42 huyện của 16 tỉnh, thành phố có bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 30 ngày.

Được biết, việc ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi đang là vấn đề "nóng" của ngành nông nghiệp, khi nguồn cung thịt lợn đang giảm mạnh, khiến giá thịt lợn trong nước bị đẩy lên cao phi lý, ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng và chỉ số giá tiêu dùng năm 2020.

Để ứng phó hiệu quả với dịch ASF, tái đàn lợn hiệu quả, bên cạnh hàng loạt giải pháp được triển khai, trong tháng 5.2020 Bộ NNPTNT hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020 - 2025”, trên cơ sở tổng kết, đánh giá các giải pháp đã áp dụng tại Việt Nam trước đây và tham khảo kinh nghiệm quốc tế;

Bộ NNPTNT đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chuyên môn; đã có văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cho bản dự thảo của Kế hoạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn