MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ KHĐT đề nghị các địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế. Ảnh: theo Vasep.

Khẩn trương đẩy mạnh 7 giải pháp "nóng" để phục hồi kinh tế

Vũ Long LDO | 02/02/2022 17:03

Để đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra, các địa phương cần khẩn trương bắt tay vào thực hiện 7 giải pháp phục hồi kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả đã đạt được về tăng trưởng kinh tế xã hội trong tháng đầu tiên của năm 2022, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức tác động đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Để đối mặt và chiến thắng những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh và tình hình biến động quốc tế, khu vực, đòi hỏi các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là, phải khẩn trương, quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch đã đề ra ngay từ đầu năm, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2022, tạo nền tảng, động lực cho phục hồi và phát triển của cả giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại các nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ; khẩn trương nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngay sau khi được Chính phủ ban hành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần: 

Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác đối với dịch bệnh

Cần chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh trong và sau Tết để có phương án phòng, chống dịch phù hợp. Triển khai “thần tốc, thần tốc hơn nữa” Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân an toàn, hiệu quả; hoàn tất tiêm chủng mũi tăng cường cho toàn bộ người dân trong tháng 2.2022, đẩy nhanh tiêm cho trẻ em. Nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. 

Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường

Đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng cho nhân dân trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Theo dõi chặt chẽ, xây dựng các kịch bản và phương án kiểm soát lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, điều tiết thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương có nhiều khu công nghiệp trọng điểm để bắt tay vào sản xuất ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm mở lại các đường bay quốc tế, đón khách quốc tế theo lộ trình. 

Xây dựng, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ ngay các điểm nghẽn trong phòng, chống dịch bệnh, các quy định cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao ngay sau Tết, tích cực đẩy nhanh, giải quyết các công việc đang còn tồn đọng. Tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ án còn đang gây bức xúc trong xã hội.

Sớm ban hành chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát dòng tiền đi vào các hoạt động đầu cơ như bất động sản, chứng khoán, tiền số... tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài. Trong thực hiện cần chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thanh toán vốn cho dự án ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định; chủ động điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. 

Chăm lo sức khỏe, đời sống người dân, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục.

Bảo đảm mọi người dân được đón Tết Nguyên đán đầy đủ, vui tươi, an toàn. Đề cao, tôn vinh những hành động, cử chỉ đẹp, nghiêm khắc phê phán, xử lý những vụ việc xã hội phát sinh, không ngừng “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên, đồng thời chuẩn bị các phương án, kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học. 

Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, đối ngoại song phương và đa phương, khai thác hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, hiệp định thương mại tự do. Tiếp tục tăng cường ngoại giao y tế, kinh tế phục vụ thiết thực cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy những động lực mới cho tăng trưởng bền vững. Thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn