MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các học sinh trao đổi đề thi sau kỳ thi THPT quốc gia tại Khánh Hòa. Ảnh: C.T

Khánh Hòa: Ồ ạt dự án kinh tế, đầu tư trường học nhỏ giọt

NHIỆT BĂNG LDO | 28/07/2018 10:30
Trong khi hàng loạt các dự án khu đô thị, khu du lịch, phân lô bán nền, khách sạn... được tỉnh Khánh Hòa cấp phép, mọc lên như nấm, thì quỹ đất, vốn bố trí cho trường học lại teo tóp, nhỏ giọt. Cho rằng “đói” ngân sách đầu tư cho giáo dục, tỉnh này quay sang kêu gọi đầu tư xã hội hóa trường học.

Hàng trăm học sinh... hết chỗ ngồi (!)

Vẻ như đang mùa “tăng tốc” xây dựng cao ốc, khách sạn nhiều tầng ở Nha Trang. Đi khắp các ngả đường, đập vào mắt là công trình, dự án thuê được đất đang rầm rộ thi công, hoàn thiện. Trong khi đó, quỹ đất, vốn bố trí cho trường học thì từ teo tóp, nhỏ giọt, khiến nhiều bậc phụ huynh hết sức bức xúc.

Ông Phan Thông - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - khẳng định, quy hoạch trường lớp gắn liền với quy hoạch đô thị. Theo ông Thông, khi thông qua HĐND tỉnh các dự án khu đô thị, chủ trương thống nhất đầu tư có phần đất xây dựng cho hệ thống giáo dục. Thế nhưng, hầu hết các dự án khu đô thị trên địa bàn Nha Trang mà ông Thông đi thực tế thì chỉ có trường mẫu giáo và nhà trẻ, còn trường cấp I cũng không, cấp II cũng chẳng thấy.

Trong quy hoạch phát triển GDĐT năm 2012-2020, Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa đã trình cho HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết có liên quan, nhằm chỉnh đốn lại mạng lưới phù hợp với địa bàn dân cư. Tuy nhiên, Nghị quyết HĐND tỉnh ra, nhưng ngân sách lại bố trí không kịp.

Vừa rồi, HĐND tỉnh lại có Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giáo dục 2020-2025. Theo đó, tại TP.Cam Ranh có Trường THPT Nam Cam Ranh; huyện Cam Lâm có Trường THPT Tây Cam Lâm. Thế nhưng, ông Lê Tuấn Tứ - GĐ Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa - cho biết, 2 trường này dự kiến xây dựng nhưng nguồn vốn trung hạn chưa bố trí được.

Tương tự, tại huyện Diên Khánh, cũng dự kiến xây dựng Trường THPT Nam Diên Khánh và đang lập dự án xây Trường THPT Tây Diên Khánh. Việc xây dựng Trường THPT Nam Diên Khánh cũng trong tình trạng “trục trặc” bố trí quỹ đất. “Huyện này hiện còn 500 học sinh nữa chưa được vào công lập, nhưng bây giờ hết... chỗ ngồi!” - ông 
Tứ nói.

Theo ông Tứ, ở TP.Nha Trang, tỉnh cũng quan tâm nhưng vốn trung hạn... không có. Tại một số khu vực, dân cư bắt đầu phát triển nhanh chóng, ngành giáo dục quay sang kêu gọi đầu tư xã hội hóa, như các khu dân cư phía tây Nha Trang, mặc dù trong quy hoạch có xây dựng trường mầm non, THCS, THPT.

“Tuy nhiên, nhà đầu tư tìm cái gì người ta đầu tư nhanh nhất, thuận tiện nhất và hiệu quả nhất, thì người ta chọn đầu tư trường mầm non và tiểu học. Vừa qua, chúng tôi kêu gọi xã hội hóa đầu tư trường mầm non đối với một doanh nghiệp. Hy vọng sẽ có một ngôi trường xã hội hóa ở tây Nha Trang” - ông Tứ nói.

Vào lớp 10 giống như... hên, xui

Tuyển vào lớp 10 ở Khánh Hòa giống như hên xui, may rủi. Đó là nhìn nhận của ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. “Mấy năm trước, Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang), số học sinh đăng ký vào rất đông, tạo nên lực ép rất lớn.

Nhưng năm nay, hầu hết phụ huynh, học sinh chạy về Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, nên trường này bỗng dưng đầu vào quá lớn. Cho nên vừa rồi mới có việc điều chỉnh, chuyển một số học sinh từ Trường Nguyễn Văn Trỗi sang Lý Tự Trọng.

Có phải tuyển sinh vào lớp 10 giống như hên xui, may rủi? Phụ huynh phải suy nghĩ, dự đoán, điều tra, xem xét sẽ đăng ký trường nào. Vấn đề này phải nghiên cứu chuyển đổi chính sách như thế nào?” - ông Thân phân tích.

Ông Tứ thừa nhận có hiện tượng mà ông Thân đề cập, nhưng học sinh vào rồi học không nổi, cuối cùng cũng xin ra. “Sau khi làm công tác tuyển sinh là phổ biến hết, cho các học sinh đăng ký nguyện vọng. Phụ huynh, học sinh đăng ký nguyện vọng trong một tuần.

Các trường công khai chỉ tiêu bao nhiêu, hiện nay đã nộp hồ sơ bao nhiêu. Nguyên tắc tuyển sinh là vào trường nào phải chịu điểm chuẩn của trường đó” - ông Tứ nói và cho rằng, muốn giải quyết căn cơ vấn đề này phải có trường lớp, chứ “đói” trường lớp thì không thể căn cơ được.

Ông Tứ cho biết, vừa qua, UBND tỉnh đã đề nghị lấy thêm học sinh vào lớp 10 (năm học 2018-2019 đối với 4 trường THPT công lập trên địa bàn TP.Nha Trang, trừ Trường THPT Lý Tự Trọng). Theo ông Tứ, Sở GDĐT đưa ra giải pháp đi kèm là khi đăng ký lớp thì bình quân một lớp 2,5 giáo viên thì khoảng 20 giáo viên, nhưng theo quy định bây giờ không cho tăng biên chế nữa.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2018-2019 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 11.886 học sinh (không tính Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trường PT dân tộc nội trú tỉnh). Số học sinh đăng ký dự tuyển lên tới 15.411 em, tăng khoảng 1.400 em. Sau khi xét điểm chuẩn và có 12.026 em trúng tuyển, cao hơn 140 em so với chỉ tiêu thì toàn tỉnh vẫn có tới 3.385 HS trượt công lập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn