MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vịnh Vân Phong như viên pha lê, đến nay vẫn chưa được “đánh thức” phát triển toàn vùng. Ảnh: Nhiệt Băng

Khánh Hòa tạo đòn bẩy đầu tư vào vịnh Vân Phong

Nhiệt Băng LDO | 24/06/2020 08:25
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt tại Việt Nam đã gây sự chú ý đặc biệt đối với các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Mới đây, một số nhà đầu tư đã trực tiếp làm việc với tỉnh Khánh Hòa để xin được ký bản ghi nhớ, xúc tiến đầu tư vào vịnh Vân Phong với mức vốn đầu tư “khủng”. Có thể nói, đây là bước khởi sắc trong thu hút đầu tư sau đại dịch.

Nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng”

Vịnh Vân Phong là vị trí mang nhiều lợi thế biển để thu hút nhà đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa “đánh thức” toàn vùng. Nhiều nơi vẫn là bãi cát pha lê trắng mịn đầy nắng và gió. Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn IPP, khu vực phía Bắc Khu kinh tế Vân Phong đã được IPP nghiên cứu cách đây vài năm với vốn đầu tư dự kiến khoảng 40 tỉ USD. Số vốn đầu tư này, IPP sử dụng tiềm lực của mình và kêu gọi thêm các nhà đầu tư lớn ở nước ngoài đầu tư theo những lĩnh vực thế mạnh.

“Sau dịch COVID-19, các tập đoàn đa quốc gia đang có dự định dịch chuyển khỏi Trung Quốc và Việt Nam là điểm đến mà họ mong muốn. VN được đánh giá ổn định, hội đủ các điều kiện về tự nhiên, xã hội đặc biệt là khu vực Bắc Vân Phong. Một quan ngại của các tập đoàn đa quốc gia là nhân công có trình độ cao, công nghệ thông tin và giao thông vận tải” - đại diện Tập đoàn KPMG đánh giá.

Trải “thảm đỏ”

Theo BQL Khu kinh tế Vân Phong, Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong tỉnh Khánh Hòa đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 51/2005/QĐ-TTg ngày 11.3.2005 với tính chất là khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành kinh tế khác. 

Dự thảo Đề án xây dựng cơ chế đặc thù phát triển khu vực vịnh Vân Phong mà UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức họp bàn mới đây cũng đặt vấn đề nghiên cứu, ưu tiên đưa vào đề án để kêu gọi đầu tư đối với các ngành nghề liên quan đến dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, cảng biển. Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến thống nhất xác định phạm vi, ranh giới khu vực xây dựng đề án theo phương án đề xuất của BQL Khu kinh tế Vân Phong, gồm: Khu vực phía Bắc (gồm xã Vạn Thạnh và khu vực phía Đông Quốc lộ 1A thuộc các xã Vạn Thọ, Vạn Phước, Vạn Khánh, Vạn Long và Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh); Khu vực phía Nam (tập trung tại khu vực Đông Bắc, thị xã Ninh Hòa, thuộc phường Ninh Hải và một phần diện tích xã Ninh Thọ). 

Trước mắt, để tạo ra cú “hích”, động lực phát triển ngay các khu vực trong đề án, ông Tuân đề nghị BQL Khu kinh tế Vân Phong nghiên cứu, ưu tiên đưa vào đề án để kêu gọi đầu tư đối với các ngành nghề liên quan đến dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, cảng biển. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp trong đề án để thu ngay ngành nghề này. 

Trên cơ sở tham khảo các chính sách ưu đãi đã được Trung ương cho phép thực hiện tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị BQL Khu kinh tế Vân Phong nghiên cứu, chọn lọc để đưa vào đề án, đảm bảo có tính khả thi cao. 

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị BQL Khu kinh tế Vân Phong nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý về một số nội dung liên quan sau khi đề án được triển khai thực hiện, cụ thể là tách bạch tương đối về chức năng quản lý hành chính Nhà nước theo địa giới hành chính và chức năng quản lý kinh tế tại khu vực triển khai đề án; đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế đảm bảo, phù hợp với phát triển xã hội trong khu vực thực hiện đề án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn