MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khấp khởi chờ kéo dài thời hạn Nghị quyết 42

CẨM HÀ LDO | 02/04/2022 08:03

Với Nghị quyết 45 vừa ban hành, Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. 

Thông qua định hướng kéo dài

Chính phủ theo đó giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) để trình Quốc hội theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật.

Đây là thông tin được giới ngân hàng chờ đón lâu nay bởi việc thực hiện nợ xấu theo Nghị quyết 42 mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong các năm qua, trong khi thời hạn thực hiện sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 15.8.2022 tới đây. Thực tế NHNN mới đây cũng có dự thảo nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 trongd dó đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng đến ngày 15.8.2025, tương đương thêm 3 năm so với thời hạn hiện tại. Hiệu quả xử lý nợ xấu ghi nhận những kết qua tích cực trong 5 năm 2017-2022 lý giải vì sao ngành ngân hàng muốn kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42.

Ngân hàng hàng gặp nhiều khó khăn khi xử lý tài sản bảo đảm bằng đất đai. Ảnh: L.Đ

Báo cáo của các TCTD cho thấy, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ ngày 15.8/.017 đến 31.12.2021 đạt trung bình khoảng 5.670 tỉ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.150 tỉ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi nghị quyết có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 – 2017, hệ thống các TCTD xử lý được khoảng 3.520 tỉ đồng/tháng).

Điều đáng nói là trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Song kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng trả nợ tăng cao. Trong 4 năm triển khai và tính đến cuối năm 2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 thông qua hình thức khách hàng trả nợ chiếm 38,93% tổng nợ xấu xử lý theo Nghị quyết số 42, cao hơn nhiều tỉ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu trong 5 năm trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực là khoảng 22,8%.

Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận Nghị quyết 42 tạo ra cơ chế xử lý hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của TCTD. Về cơ bản, ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao, một số quy định tại Nghị quyết số 42 đã được các TCTD, công ty quản lý tài sản của các TCTD áp dụng có hiệu quả trên thực tế. 

Nút thắt tài sản bảo đảm

Chính vì vậy nếu không được kéo dài thời hạn khi Nghị quyết 42 hết hạn vào ngày 15.8.2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42. Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) cũng như quá trình tái cơ cấu TCTD.

Dĩ nhiên trên thực tế, Nghị quyết 42 sau khi đi vào thực tiễn cũng bộc lộ không ít vấn đề, trong đó nổi bật là những khó khăn, vướng mắc về quy định liên quan đến thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm; khó khăn, vướng mắc do thiếu các quy định liên quan đến xử lý nợ xấu và khó khăn, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản. Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định cụ thể về các phương pháp thẩm định giá khoản nợ, gây khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn mức giá tham khảo làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong giao dịch mua bán nợ.

Do đó nếu các vướng mắc chưa được xử lý trong lần gia hạn nghị quyết này, các ngân hàng sẽ vẫn gặp nhiều nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến nợ xấu của các TCTD tiếp tục tăng mạnh. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam theo đó mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 để hỗ trợ các TCTD trong công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn