MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khát vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế

Cường Ngô - Phạm Dung (thực hiện) LDO | 01/01/2021 10:29
Theo các chuyên gia kinh tế, bước sang năm 2021, Việt Nam vẫn phải kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” phòng, chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế. Dưới đây là một số nhận định của các chuyên gia kinh tế Việt Nam về bức tranh kinh tế năm 2021, để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam thịnh vượng:

TS Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE): “Dọn tổ đón đại bàng - bắt tay bình đẳng với doanh nghiệp ngoại”

Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt nên Việt Nam đã tái khởi động nền kinh tế sớm hơn các nước khác. Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc về xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và mọi hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội đã ở trạng thái bình thường.

Trong năm 2020, Việt Nam không bị gián đoạn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, một số hãng thông tấn lớn trên thế giới xác nhận, các đối tác của Apple đã tăng cường năng lực sản xuất iPhone tại Ấn Độ và các công ty lắp ráp AirPod bổ sung một số dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam, với khoản đầu tư mới 270 triệu USD vào Việt Nam. Năm 2021, thế hệ thứ ba của AirPod dự kiến cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

Tôi cho rằng điều này thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ và người dân trong việc thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Kết quả đạt được của nền kinh tế Việt Nam khi GDP tăng 2,91% so với năm trước, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới - đã củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam được biết đến là địa điểm hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trở thành một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút nhiều “ông lớn” của thế giới như Intel, Samsung, LG…

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, đầu tư nước ngoài của chúng ta chưa được hiệu quả. Đó là sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài không cao; các doanh nghiệp Việt tham gia vào phân khúc công nghệ thấp. Sự liên hết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước cũng là điểm yếu. Chính vì vậy, muốn thu hút đầu tư thì các doanh nghiệp Việt Nam phải tự phát triển hơn nữa để tương xứng, bắt tay bình đẳng với nước ngoài.

Bước sang năm 2021 và những năm tiếp theo, việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài cần phải chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

TS Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE)

TS Trần Sĩ Chương - Chuyên gia kinh tế - Nhà đầu tư độc lập: “Không ngủ quên trên chiến thắng, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị đi đường dài”

Mặc dù, nhiều tổ chức kinh tế - tài chính thế giới nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2021, tuy nhiên, tôi cho rằng Việt Nam không nên chủ quan mà cần thận trọng khi đánh giá về sự hồi phục hoàn toàn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Việt Nam đã là nền kinh tế rất mở, hội nhập sâu rộng vào thế giới, nên khi bất kỳ quốc gia, nền kinh tế nào bị tổn thương cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong bối cảnh dịch COVID-19, có quốc gia phục hồi nhanh hơn, có quốc gia phục hồi chậm hơn, song “đoàn tàu kinh tế thế giới” vẫn bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, trong nguy có cơ, trong những khó khăn là lúc thế giới chậm lại, cho phép Việt Nam nhìn lại mình để “xếp bài”, nhằm xây dựng nội lực tốt, giúp chúng ta có cơ sở, khả năng cạnh tranh tốt hơn.

Không ngủ quên trên chiến thắng, doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị đường dài, đánh giá lại việc đầu tư, kinh doanh của mình có còn phù hợp và đủ sức chịu đựng đến khi ngành nghề kinh doanh có khả năng thu lãi, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có còn giá trị trong xã hội mới hay không. Nếu không thì doanh nghiệp cần “thức tỉnh”, nhanh chóng chuyển đổi để tồn tại và phát triển.

TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội: “Tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

Năm 2020 đi qua đánh dấu nhiều bất ổn chưa từng có với kinh tế thế giới và Việt Nam. Dịch COVID-19 lan rộng tại nhiều nước trên thế giới là một cú sốc lớn, làm gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu. Các xung đột thương mại giữa các nước, các khu vực; thiên tai, dịch bệnh đã liên tiếp tác động tới Việt Nam.

Bất chấp khó khăn, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng, đạt mức 2,91% nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có các chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Bước sang năm 2021, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh; phát triển mạnh thị trường trong nước... nhằm đạt mục tiêu tăng GDP khoảng 6% so với năm 2020; quy mô GDP bình quân khoảng 3.700USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Việt Nam cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích cả ba động lực tăng trưởng chủ yếu: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với chủ đề năm 2021 “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”, định hướng điều hành và quan điểm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới. Cường Dung

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn