MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh Diễn đàn “Cải cách và phát triển Việt Nam 2019. Ảnh: Kh.V

Khát vọng thịnh vượng, sớm đưa Việt Nam thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp

L.V LDO | 19/09/2019 13:11

Các chuyên gia đã hiến kế các vấn đề cải cách để nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ trong thập niên tới.

Ngày 19.9.2019, Diễn đàn “Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” đã được tổ chức với nhiều ý kiến tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ  nhiệm Văn phòng Chính phủ, cải cách thể chế đang là khẩu hiệu hành động và đây là một thành tựu đang rất đáng được ghi nhận. Trong bối cảnh hiện nay, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển đang là tối ưu cho Việt Nam, tuy nhiên rủi ro của lựa chọn này không phải là không nhỏ.

“Trước hết là rủi ro về năng lực. Chúng ta có khả năng hoạch định chính sách phát triển công nghiệp đúng đắn hay không? Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì chiến lược phát triển công nghiệp của việt Nam là gì”, TS Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi và khẳng định: Câu hỏi này không dễ trả lời.

Ông cũng nêu ra rủi ro thứ hai: Do đã hội nhập sâu rộng với thế giới và tham gia rất nhiều các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương, nên không gian còn lại của Nhà nước cho việc hoạch định và triển khai chương trình công nghiệp hóa một cách độc lập và tự chủ là rất nhỏ hẹp.

“Bị ràng buộc bởi vô vàn những cam kết quốc tế, Nhà nước rất khó can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mà chúng ta lựa chọn. Để vượt qua rủi ro này, quan trọng là phải nâng cao năng lực thiết kế hàng rào kỹ thuật, các hàng rào về thủ tục “-TS Nguyễn Sĩ Dùng nói.

Rủi ro thứ ba là bộ máy hành chính và đội ngũ công chức của chúng ta còn khá yếu kém; nhiều quan chức hành chính chỉ giỏi nói chính trị, nói nghị quyết nhưng lại không tài giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, không giỏi điều hành.  

Rủi ro thứ tư là quỹ thời gian để xây dựng thành công mô hình nhà nước phát triển còn lại không nhiều…

Còn theo GS Cao Viết Sinh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng và hoàn thiện kinh tế thị trường có ý nghĩa quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn bó với mô hình tăng trưởng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta thoát khỏi nhóm có thu nhập trung bình thấp để bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.

Ngày 19.9.2019, trong khuôn khổ diễn ra sự kiện, Diễn đàn “Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động”, sẽ có 3 phiên thảo luận. Trong đó, phiên 1: Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; Phiên 2: Đổi mới sáng tạo đê vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Phiên toàn thể: Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – ông Ousmane Dione đồng chủ tọa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn