MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế của một doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn: Bộ y tế

Khẩu trang y tế đầy kho: Vì sao doanh nghiệp chưa được phép xuất khẩu?

Cường Ngô - Thuỳ Linh LDO | 28/04/2020 13:00

Trong cuộc họp bàn các giải pháp triển khai của Bộ Công Thương sau giai đoạn giãn cách xã hội, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, năng lực sản xuất khẩu trang y tế của các doanh nghiệp hiện khoảng chục triệu chiếc một ngày, nhưng gặp vướng mắc do hoạt động mua dự trữ phục vụ phòng dịch của ngành Y tế, nên gây ách tắc toàn bộ hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.  

Cung ứng đủ thị trường trong nước

Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, do các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế ở Việt Nam đang “chạy theo xuất khẩu”, ký loạt hợp đồng bán khẩu trang cho các đối tác nước ngoài, nên ngành y tế không mua đủ số lượng khẩu trang y tế để dự trữ trong nước. Thực tế, các doanh nghiệp đã chứng minh điều ngược lại.

Ông Lê Hải Trọng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Y tế Danameco (doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế có quy mô lớn, chuyên cung ứng cho các bệnh viện và cơ sở y tế) cho Lao Động biết, hiện tại năng lực sản xuất khẩu trang y tế của công ty ông đạt sản lượng 4-5 triệu chiếc/ngày.

Tuy nhiên, do nhu cầu khẩu trang y tế tăng mạnh khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư thêm máy móc, thiết bị để tăng năng lực xuất khẩu. Sau ngày 15.5, Danameco có thể tăng sản lượng lên tới 7-8 triệu khẩu trang/ngày, không những đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu.

Song, ông Trọng cho hay, việc xuất khẩu khẩu trang y tế gặp nhiều khó khăn do các cơ quan nhà nước chưa thực sự thích ứng với việc thay đổi giá, không chấp nhận mức giá cao khi mua vào cho dự trữ hay đưa lưu thông ra thị trường. Ông Trọng khẳng định, không có chuyện doanh nghiệp “chạy theo xuất khẩu”.

“Ở Việt Nam và Trung Quốc hiện nguyên liệu để làm khẩu trang y tế tăng giá khủng khiếp. Theo đó, giá nguyên liệu để làm ra một chiếc khẩu trang tăng từ 4-5 lần, riêng lớp màng lọc kháng khuẩn tăng từ 25-30% so với giá thời điểm trước Tết Nguyên đán, vấn đề tăng giá nguyên liệu ở quy mô toàn cầu. Do vậy, giá khẩu trang y tế buộc phải “kéo” lên cao hơn. Không chỉ vậy, giá máy sản xuất khẩu trang cũng tăng lên nhiều lần so với trước đây” - ông Trọng thông tin.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Danameco - có một vấn đề quan trọng là hiện nay Việt Nam chưa xác định được giá khẩu trang y tế ở mức nào? Rõ ràng, giá khẩu trang y tế trước đây và bây giờ khác nhau rất nhiều. Nếu cho rằng doanh nghiệp trong nước đẩy giá cao, ông Trọng cho rằng là không đúng. 

“Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp của tôi bán khẩu trang y tế với các đơn vị trong nước là 2.000 đồng/khẩu trang, có những đơn hàng gần 10 triệu khẩu trang, tôi bán với giá có mấy trăm đồng/cái vì đã trúng thầu trước đó, tôi phải giữ cam kết với bệnh viện, không có chuyện doanh nghiệp “chạy theo xuất khẩu”. Giá khẩu trang mà nhà nước muốn mua để phục vụ phòng dịch của ngành Y tế không còn phù hợp với thời điểm hiện tại” - ông Lê Hải Trọng cho biết.

“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã sản xuất 40 triệu chiếc khẩu trang để phục vụ đội ngũ y bác sĩ chống dịch, họ cần là chúng tôi có. Tôi khẳng định không thiếu khẩu trang cung ứng cho thị trường trong nước” - ông Trọng thông tin thêm.

Đến thời điểm này, nhu cầu trong nước đã ổn định, ông Trọng cho rằng - đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế Việt Nam bước ra thế giới.

Tôi được biết có nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang lớn, nhưng lại thuê gia công những đơn vị nhỏ lẻ ở ngoài, không ai kiểm soát chất lượng, phòng ốc, nhà xưởng có đảm bảo vệ sinh? Đây là vấn đề hết sức phải lưu ý. Nếu như Bộ Y tế không làm tốt khâu kiểm tra chất lượng thì hậu quả rất nguy hiểm khi các nước ồ ạt trả khẩu trang, lúc đó sẽ mất uy tín” - ông Trọng lưu ý.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, theo Nghị quyết 20 ngày 28.2 của Chính phủ, Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ thực hiện.

Theo đó, Nghị quyết này quy định đối với khẩu trang y tế là 75% công suất sản xuất khẩu trang y tế được dùng để đảm bảo an ninh trong nước, 25% được phép xuất khẩu với điều kiện hỗ trợ, tài trợ. Tuy nhiên, chính sách này chỉ phù hợp khi thị trường trong nước khan hiếm, còn nếu công suất sản xuất dư thừa thì việc hạn chế xuất khẩu sẽ làm mất đi cơ hội chuyển đổi, ứng phó của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ông Việt đề nghị sửa lại Nghị quyết 20 theo hướng cho các doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức thương mại, nếu không xuất khẩu sẽ rơi vào khủng hoàng thừa. 

Bộ Y tế đề xuất cho phép xuất khẩu không hạn chế

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế khẳng định: “Hiện việc cung ứng khẩu trang vẫn được đảm bảo, các bệnh viện vẫn tổ chức đấu thầu mua bình thường. Về khẩu trang dự phòng cho quỹ dự phòng quốc gia, Chính phủ giao mua thì Bộ cũng đã mua rồi, còn thiếu một ít nữa thì các doanh nghiệp đang dự kiến là họ sẽ tài trợ, về cơ bản chúng tôi đã lo ổn”. 

Ông Nguyễn Tử Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, đang lấy ý kiến các bộ ngành, hoàn tất dự thảo nghị quyết trình Chính phủ liên quan đến xuất khẩu khẩu trang và vật tư y tế.

“Trong ngày 27.4, Bộ Y tế trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết liên quan đến xuất khẩu khẩu trang và vật tư y tế. Theo đó, dự thảo sẽ đề xuất bỏ hẳn Nghị quyết 20, cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu khẩu trang, không hạn chế về số lượng”- ông Hiếu khẳng định. 

Như vậy, nếu dự thảo Nghị quyết được Chính phủ thông qua, các doanh nghiệp sẽ được xuất khẩu khẩu trang không hạn chế. Trả lời vấn đề đảm bảo khẩu trang dự phòng cho quỹ dự trữ quốc gia, ông Hiếu cho rằng: “Khẩu trang phải được đảm bảo cho nhu cầu trong nước, kể cả nhu cầu dự trữ. Hiện nay nhu cầu trong nước không thiếu, nhưng nếu trong nước khan hiếm, sẽ áp dụng lại các biện pháp cấp phép tương tự như các quy định trong Nghị quyết 20”.

Thứ trưởng Bộ Y Tế Trương Quốc Cường cho hay: “Hiện Bộ Y tế đang bàn về việc sửa Nghị quyết 20, tuy nhiên các ý kiến đang còn rất khác nhau, số liệu gửi về chưa chính xác, mới chỉ là số liệu đăng ký thôi. Và hiện tại nhu cầu cũng đã thay đổi, dự trữ hậu cần phải căn cứ vào ý kiến của các đơn vị điều trị, ý kiến của y tế dự phòng...

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng khẳng định: Hiện nay các loại khẩu trang vải kháng khuẩn vẫn được xuất khẩu bình thường nhưng về khẩu trang y tế thì cần phải có ý kiến của các bệnh viện xem họ phát biểu ra sao, nếu các bệnh viện không mua được khẩu trang y tế thì rất đáng lo ngại, vì vậy, vấn đề này Bộ Y tế phải xem xét rất cụ thể. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn